Sao Hỏa ẩn chứa những điều kỳ diệu chưa từng thấy trong những phát hiện mới nhất từ các tàu thám hiểm của NASA.
Sao Hỏa gần đây trông ngày càng tuyệt diệu mặc dù nó hầu như không thay đổi trong vài tỉ năm. Sự khác biệt là do các sứ mệnh thám hiểm hành tinh đỏ của NASA đã chụp được những góc nhìn sắc nét nhất về bề mặt sao Hỏa. Công việc của tàu thám hiểm là tìm kiếm các dấu hiệu tiềm ẩn của sự sống trên sao Hỏa, nhưng kể từ khi hạ cánh vào tháng 2 năm ngoái, nó đã trở thành một nhiếp ảnh gia phong cảnh.
Chúng ta có thể thấy chi tiết hơn bao giờ hết các mỏm đá của hành tinh đỏ đang mở tung với tầng tầng lớp lớp kết cấu, hết lớp này đến lớp khác. Địa hình màu nâu và cam trông rất sống động, đất mềm mại, mượt mà. Trên bầu trời đêm của chúng ta, sao Hỏa chỉ là một đốm nhỏ lấp lánh. Tuy nhiên, trong những bức ảnh của tàu thám hiểm Perseverance, sao Hỏa không chỉ giống như một hành tinh thực mà còn giống như một địa điểm thực.
Vết tích của thiết bị tàu thám hiểm Perseverance để lại. Ảnh: NASA
Các nhà khoa học và kỹ sư đã đi một chặng đường dài kể từ những nỗ lực ban đầu để có được những góc nhìn cận cảnh về sao Hỏa. Năm 1965, tàu thăm dò của NASA có tên là Mariner 4 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên và mang về những quan sát của nó. Trở lại Trái đất, việc chuyển đổi dữ liệu thành hình ảnh thực là một quá trình chậm – chậm đến mức các nhân viên tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực, rất phấn khích và thiếu kiên nhẫn, đã lấy các con số từ dữ liệu của Mariner tương ứng với màu sắc, in các chữ số trên giấy, vẽ tạm trên vải bằng phấn màu, để rồi cuối cùng loài người lần đầu tiên có được cận cảnh bề mặt của một hành tinh khác.
Bức vẽ tay của NASA về bề mặt sao Hỏa từ năm 1965. Ảnh: NASA
Những bức ảnh đầu tiên trên bề mặt sao Hỏa được một sứ mệnh khác của NASA là tàu đổ bộ Viking 1 chụp vào năm 1976. Tàu đổ bộ Viking 1 chụp được một cánh đồng đá cuội màu đỏ trải dài đến tận chân trời.
Vào cuối những năm 1990, NASA bắt đầu gửi một lượng robot ổn định, không giống như tàu đổ bộ, có thể di chuyển xung quanh và chụp môi trường sao Hỏa từ các góc độ khác nhau. Curiosity, xuất hiện vào năm 2012, vẫn đang hoạt động tích cực và liên tục gửi về các bức ảnh ở sườn núi, cách Perseverance khoảng 3.700 km.
Trong khi đó, Perseverance có đôi mắt robot tốt nhất trên sao Hỏa, mặc dù không quá phức tạp. Không có Internet tốc độ cao giữa Trái đất và sao Hỏa, vì vậy có những giới hạn về dữ liệu có thể truyền về nhà. Nhưng Perseverance có 23 camera, nhiều hơn Curiosity 6 camera và chúng cao cấp hơn những camera được sử dụng cho các sứ mệnh trước đó.
Những tảng đá trên cát mịn ở hành tinh đỏ. Ảnh: NASA
Theo nhà khoa học Katie Stack Morgan của NASA, Perseverance được thiết kế để khám phá sao Hỏa một cách tự chủ hơn so với những tàu thám hiểm trước đó, được trang bị máy ảnh đủ tốt để hỗ trợ khả năng này. Vì vậy, trong khi một số máy ảnh của Curiosity chụp ảnh đen trắng, thì máy ảnh tương tự của Perseverance chụp ảnh màu, giúp các nhà khoa học ở Trái đất hướng dẫn tàu thám hiểm này tới những mục tiêu thú vị về mặt khoa học. Các camera của Perseverance đem đến những hình ảnh tuyệt đẹp, có độ phân giải cao.
Perseverance cũng có nhiều cơ hội chụp ảnh hơn Curiosity và có thể tận dụng thủ thuật chụp ảnh cổ điển. Chẳng hạn, nếu muốn thực sự làm nổi bật kết cấu trên bề mặt đá, Perseverance sẽ chụp khi mặt trời xuống thấp. Khi đó, tất cả những đường gờ nhỏ và những khuyết điểm lởm chởm cùng những vết lồi lõm sẽ bắt đầu đổ bóng và được nhìn thấy rõ hơn nhiều.
Quang cảnh đá trầm tích trong bức ảnh từ camera của tàu thám hiểm Perseverance. Ảnh: NASA
Hình ảnh sao Hỏa mới đến Trái đất mỗi ngày. Các nhà khoa học ghép các hình ảnh lại với nhau từ camera chính của tàu thám hiểm để tạo ra những bức ảnh toàn cảnh, và họ đặc biệt hồi hộp khi những bức ảnh tiết lộ điều gì đó hữu ích về mặt khoa học.
Đá trầm tích được máy ảnh của tàu thám hiểm Perseverance chụp ảnh gần đây chính xác là loại đá mà tàu thám hiểm được thiết kế để nghiên cứu. Các nhà khoa học tin rằng địa hình cổ đại ở đây, trong một miệng núi lửa có tên là Jezero, được tạo thành bởi bùn, phù sa và nước cách đây hơn 3,5 tỉ năm, khi sao Hỏa còn là một thế giới êm đềm với sông và hồ. Nếu có bất kỳ sự sống vi sinh vật nào vào thời điểm đó, nó có thể đã bị san phẳng thành những lớp này và được bảo tồn cho đến ngày nay.
Nguồn: LD
- Đền Parthenon: Kiệt tác kiến trúc cổ đại, ngôi đền bí ẩn của những con số
- Âm nhạc ở mức 432 Hz: Một tần số rung động thần thánh?
- Giải mã: Tại sao người xưa rất thích ngủ trên “gối sứ”?