NASA tuyên bố tìm thấy “phiên bản song sinh” của Trái đất

Các nhà thiên văn học đã tìm thấy một hành tinh mới cách chúng ta 1.400 năm ánh sáng, và được NASA gọi là ‘Trái đất phiên bản 2.0’.

Ảnh minh họa so sánh Trái đất (trái) với hành tinh mới giống Trái đất tên là Kepler-452b (phải), có đường kính gấp khoảng 1,5 lần. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/T. Pyle)

Hành tinh này được gọi là Kepler-452b, đặt tên theo chiếc kính viễn vọng Kepler đã tìm ra nó.

Kepler-452b có khối lượng gấp Trái đất 5 lần và lực hấp dẫn bề mặt gấp 2 lần. Khoảng cách giữa hành tinh này và ngôi sao mẹ của nó là lớn hơn 5% so với khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời. Ngôi sao của nó có cùng nhiệt độ bề mặt so với Mặt trời, nhưng có đường kính lớn hơn 10%, và độ sáng gấp 20%.

Với cấu trúc như vậy, hành tinh này sẽ mất 385 ngày để quay quanh sao mẹ, lớn hơn một chút so với Trái đất (365 ngày). Đồng thời, hành tinh này sẽ có một bầu khí quyển dày, nhiều mây kèm theo các núi lửa hoạt động. Ngoài ra, cường độ ánh sáng chúng ta cảm nhận được, nếu có thể trực tiếp đặt chân lên Kepler-452b, cũng tương đương với trên Trái Đất.

“Chúng ta có thể coi Kepler-452b như một người anh họ già hơn, lớn hơn của Trái đất, cung cấp cơ hội để hiểu và phản ánh chiều hướng phát triển của môi trường hiện nay trên Trái đất”, Tiến sĩ Jon Jenkins, trưởng nhóm phân tích số liệu tại Dự án Kepler tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, nói. “Thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng hành tinh này đã trải qua 6 tỷ năm trong một khu vực có thể tồn tại sự sống của hệ sao mẹ, tức già hơn Trái đất 1,5 tỷ năm tuổi. Đây là một cơ hội tuyệt vời để sự sống hình thành, nếu tất cả các nguyên liệu và điều kiện cần thiết cho sự sống tồn tại trên hành tinh này”.

Theo tờ Daily Mail của Anh, với nhiều đặc điểm tương đồng, và vì có tuổi thọ hơn Trái đất 1,5 tỷ năm, Kepler-452b có thể hé lộ cho chúng ta về tương lai của Trái đất.

“Đến khi Trái đất tiếp cận độ tuổi của Kepler-452b, Mặt trời của chúng ta sẽ gây nên một hiệu ứng nhà kính kinh hoàng trên bầu khí quyển Trái đất, làm khô cạn đại dương và biến các vùng đất thành hoang mạc không người ở”, tờ Daily Mail nhận định.

Bước tiếp theo là sử dụng kính viễn vọng James Webb để tiến hành phân tích quang phổ của hành tinh này nhằm hiểu rõ hơn về bầu khí quyển của nó.

Ảnh minh họa bề mặt Kepler-452b. (Ảnh: Danielle Futselaar/Viện SETI)




Các nhà khoa học NASA không biết chắc liệu bầu khí quyển của Kepler-452b có thể hỗ trợ sự sống hay không, nhưng họ biết rằng đã có nhiều thời gian để các vi sinh vật phát triển.

Với Kepler-452b, các nhà thiên văn học đã nâng tổng số các hành tinh có thể tồn tại sự sống như Trái đất được phát hiện thông qua kính thiên văn không gian Kepler lên con số 4699. Kính thiên văn Kepler là một kính thiên văn vũ trụ có chi phí lên đến 600 triệu USD, được phóng ra ngoài không gian vào năm 2009. Kính Kepler sẽ tìm kiếm các đốm sáng của các ngôi sao, xuất hiện khi một hành tinh chắn tầm nhìn giữa một ngôi sao và kính thiên văn.


Kính thiên văn không gian Kepler. (Ảnh: dailymail.co.uk)

Theo các nhà thiên văn, có khoảng 10% trong số 200 tỷ ngôi sao trong Hệ Ngân hà có các hành tinh cỡ Trái Đất có thể tồn tại sự sống, và Kepler-452b là một trong số đó.  Điều đó cho thấy trong số 600 ngôi sao trong phạm vi cách Trái đất 30 năm ánh sáng, có khoảng 60 loại ngoại tinh cầu, hay những hành tinh có thể được khám phá với những thế hệ kính thiên văn mới trong tương lai.

Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *