Vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu đến từ Vương quốc Anh đã gây được tiếng vang lớn khi họ công bố việc phát hiện ra nguồn phosphine quan trọng trong bầu khí quyển của sao Kim. Vào thời điểm đó, họ khẳng định loại khí không màu và không mùi này có thể là một dấu hiệu khả dĩ của sự sống, vì nó thường được tìm thấy khi các chất hữu cơ bị phân hủy trên Trái đất.
Sau nhiều tranh cãi, các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ, cho rằng bầu không khí của sao Kim có thể phù hợp cho sự sống. (Ảnh: Wikipedia)
Tuy nhiên, giả thuyết trên đã vấp phải những nghi ngờ rằng các đám mây trong bầu khí quyển dày đặc của hành tinh cũng có thể chống lại sự sống khi nó có chứa các giọt axit sulfuric với khả năng ăn mòn cực mạnh.
Thêm vào đó, các nhà khoa học khác cũng dội một gáo nước lạnh vào giả thuyết về sự sống trên sao Kim khi họ chỉ ra khả năng xảy ra lỗi xử lý khiến dữ liệu bị nghi ngờ.
Nhưng giờ đây, một nghiên cứu do các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thực hiện đã mang lại luồng sinh khí mới cho lý thuyết gây tranh cãi.
Các nhà nghiên cứu từ MIT cho biết axit sulfuric có thể được trung hòa bởi sự hiện diện của amoniac, chất mà các nhà thiên văn học cũng nghi ngờ có trong bầu khí quyển của hành tinh này nhờ các sứ mệnh thăm dò Venera 8 và Pioneer Venus vào những năm 1970.
Theo các nhà nghiên cứu, amoniac sẽ tạo ra một chuỗi dài các phản ứng hóa học, có thể biến các đám mây của sao Kim thành một nơi phù hợp cho sự sống.
Tóm lại, “sự sống có thể tạo ra môi trường riêng của nó trên sao Kim”, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo của họ, đã được nhận đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Mô hình của chúng tôi dự đoán rằng những đám mây có thể phù hợp cho sự sống nhiều hơn so với suy nghĩ trước đây và có thể có sinh vật sống”.
Các tác giả gợi ý rằng bản thân khí amoniac cũng có thể là kết quả của các quá trình sinh học, thay vì sét hoặc phun trào núi lửa, như đã được đề xuất trong nghiên cứu trước đây.
Đồng tác giả Sara Seager, giáo sư khoa học hành tinh tại MIT, cho biết: “Có những môi trường rất axit trên Trái đất có sự sống tồn tại, nhưng nó không giống như môi trường trên sao Kim – trừ khi sự sống tại đây trung hòa những giọt axit đó”.
Nghiên cứu đã đưa ra một kết luận hấp dẫn, nhưng chúng ta vẫn phải chờ kết quả khi một tàu thăm dò vào bầu khí quyển của Sao Kim để xác nhận.
May mắn thay, cả NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đều đang có kế hoạch gửi các tàu vũ trụ của riêng họ đến hành tinh láng giềng gần nhất của chúng ta trong vòng 10 đến 15 năm tới. Vì vậy, hy vọng một số câu trả lời cuối cùng sẽ được đưa ra.
Nguồn: NTDVN
- “Giật mình” khi AI biến chân dung nhân vật độ phân giải thấp thành người
- Sẽ có “hộp đen: ghi lại sự sụp đổ của Trái đất chi tiết từng phút
- NASA tiết lộ âm thanh “ma quái” được tàu thăm dò Juno ghi lại