Thời hiện đại cuộc sống cạnh tranh, gấp gáp, khiến con người cảm thấy mệt mỏi, thống khổ, những không biết tìm cách hóa giải như thế nào, khi ấy, trí tuệ Trang Tử có thể hé mở con đường đến với cuộc sống thư thái, thảnh thơi, và an lành.
9 câu danh ngôn kinh điển của Trang Tử, câu nào cũng tinh túy trí tuệ. Tranh “Mộng điệp đồ” của Lục Trị đời Minh – miền công cộng)
1. “Đời ta thì hữu hạn, mà tri thức thì vô hạn. Lấy cái hữu hạn mà theo đuổi cái vô hạn thì thật mệt mỏi!”
Cuộc đời thì hữu hạn, nhưng sự học hỏi và tri thức thì vô tận, vì vậy nếu dùng cuộc đời hữu hạn của mình để theo đuổi tri thức vô tận, thì sẽ không tránh khỏi thất bại.
Nhu cầu về tri thức của con người cũng giống như nhu cầu về nước, thậm chí còn hơn thế nữa.
Đối với một mảnh đất, ít nước quá sẽ gây khô hạn nhưng nước nhiều quá sẽ gây ra tai họa.
Vì vậy, theo đuổi tri thức cũng như thế, đừng đi quá xa mà hãy vừa phải.
2. “Con người sống giữa trời đất, như bóng câu qua cửa sổ, chỉ chốc lát mà thôi”
Con người sống giữa trời và đất, giống như con bạch mã chạy qua khe nhỏ, chớp mắt đã lướt qua.
Thời gian trôi nhanh, cuộc đời thì ngắn ngủi, vì vậy cần phải biết nâng niu và trân trọng, trân trọng gia đình, trân trọng bạn bè và trân trọng chính mình!
Đời người ngắn ngủi, không có thời gian để quấn quýt, không có thời gian để so đo tính toán.
Cần phải sống cho chính mình và hãy xem những người khác chỉ là phong cảnh thoáng qua.
3. “Người thế tục đều thích người giống mình, và ghét người khác mình”
Người thế tục đều thích người khác đồng ý với họ, và không thích người khác không đồng ý với mình, tán đồng với mình thì yêu thích, không tán đồng với mình thì chán ghét.
Trái tim con người vốn mềm yếu và thích sự hư vinh.
Khi người khác tán đồng và khen ngợi, chính là lúc tâm hư vinh được thỏa mãn.
Và khi có những tiếng nói khác, thì cảm thấy lòng tự trọng của mình bị chà đạp.
Thực ra tâm lý này cũng là lẽ tự nhiên, nhưng chúng ta phải nhận ra rằng, tâm lý này có thể khiến chúng ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tiến bộ, suy cho cùng chính là “lời thật thì khó nghe nhưng được việc”.
4. “Đau buồn lớn nhất là nguội lòng, cái chết vẫn chỉ xếp thứ hai”
Nỗi buồn lớn nhất của con người chính là sự tê liệt và ngu muội về tinh thần, và cái chết của thể xác chỉ là thứ hai.
Một số người đã chết, nhưng tư tưởng và ý chí của họ vẫn còn sống.
Một số người còn sống, nhưng tâm hồn nguội lạnh thì chẳng khác nào họ đã chết.
Nếu một người chỉ có một lớp da nhưng không có suy nghĩ, thì anh ta sẽ trở thành xác sống.
Điều này còn đáng buồn hơn cả cái chết.
5. “Không thể luận bàn về biển cả với con ếch ngồi dưới đáy giếng; không thể luận bàn về băng tuyết mùa đông với con côn trùng mùa hạ”
Đừng bàn về chuyện biển cả với con ếch ở đáy giếng, con ếch ấy sống trong một không gian nhỏ hẹp như vậy, sẽ không hiểu được sự bao la của biển cả.
Đừng nói chuyện băng tuyết với con côn trùng mùa hạ, chúng chỉ sống trong một mùa nắng hạ, sẽ không thể hiểu được băng tuyết mùa đông.
Đừng tranh luận với những kẻ ngốc.
Đừng tranh luận với những người không cùng đẳng cấp, điều đó chỉ lãng phí thời gian và năng lượng của bạn.
Nếu bạn bàn về thơ phú với một người chưa từng đọc sách, không chỉ bạn cảm thấy mình đang “đàn gảy tai trâu”, mà người kia cũng sẽ nghĩ rằng bạn đang “nói điều vô nghĩa”.
6. “Chó không phải sủa hay mà là chó tốt, người không phải nói hay mà là người hiền”
Không thể vì một con chó sủa hay thì có nghĩa nó là một con chó tốt. Không thể vì một người nói hay thì có nghĩa là anh ta là một người hiền năng.
Trong cuộc sống, để đánh giá một người có đáng tin cậy hay không, hay đánh giá một người có đạo đức trong công việc hay không, không thể chỉ dựa vào việc anh ta nói tốt hay không. Một người khoa trương khoác lác chưa hẳn sẽ có tài có đức. Quan trọng nhất khi nhìn người chính là quan sát hành vi của anh ta, để xem liệu lời nói và việc làm của anh ta có nhất quán hay không .
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, sau khi xử trảm Mã Tốc do làm mất Nhai Đình, Gia Cát Lượng nhớ đến lời trăn trối của Lưu Bị về Mã Tốc trước lâm chung: “Hay nói quá sự thật, không nên trọng dụng”, và vô cùng hối hận.
7. “Kẻ hay khen người khác trước mặt họ, cũng hay nói xấu sau lưng họ”
Một người thích hùa theo tâng bốc trước mặt người khác, thì cũng sẽ thích nói xấu sau lưng người khác.
Trong cuộc sống thường có một kiểu người, mỗi lần gặp mặt đều trưng ra khuôn mặt tươi cười chào hỏi, trước mặt có thể tung hô bạn lên mây.
Hãy đặc biệt chú ý đến loại người này, bởi người đâm sau lưng bạn rất có thể chính là anh ta.
Trang Tử – tranh của Hoa Tổ Lập đời Nguyên – miền công cộng
8. “Mưu sự không có chủ kiến ắt khốn đốn, làm việc không có chuẩn bị ắt sẽ hỏng”
Nếu lập kế hoạch cho sự việc nhưng lại không có chủ kiến, thì sẽ bị sự việc ấy làm cho khốn đốn. Nếu làm mọi việc mà không có sự chuẩn bị, thì chắc chắn sẽ thất bại.
Cơ hội chỉ dành cho những người có sự chuẩn bị, nếu đối diện với cơ hội nhưng lại không có sự chuẩn bị, thì sẽ bỏ lỡ mất thời cơ quan trọng.
Chỉ khi có sự chuẩn bị, thì mới có cơ hội chiến thắng.
Không tích từng bước nhỏ thì không đi được ngàn dặm, không tích từng dòng nhỏ thì không thể thành sông, thành biển.
9. “Không chân thành thì không thể lay động được người khác”
Bạn không thể làm cảm động người khác nếu bạn không chân thành.
“Tâm hết mực chân thành có thể khiến vàng đá mở ra”. Nếu bạn muốn thuyết phục hay lay động người khác thì chỉ có thể bày tỏ bằng tình cảm chân thành nhất của mình.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lưu Bị từng ba lần đến lều tranh để mời Gia Cát Lượng xuống núi. Chính thái độ ba lần đến thăm của Lưu Bị đã khiến Gia Cát Lượng thấy được tấm lòng của ông và giúp ông đưa ra kế hoạch thống nhất đất nước.
Hãy đối xử chân thành với mọi người, và những người khác cũng sẽ đối xử với bạn bằng sự chân thành. Chỉ những người có thái độ và tình cảm chân thành, trước sau như một, mới có cơ hội lay động với người khác.
Nguồn: NTD
- Lục địa Atlantis đã được tìm thấy?!
- Cuộc tiếp xúc siêu kinh dị với người ngoài hành tinh
- Chân tướng về Trái Đất đã mất (P1): Lõi Trái Đất trống rỗng?