“7 lần đổi chủ mới là một võ sĩ”: Bí mật về lòng trung thành cả đời của Samurai

Là biểu tượng của lòng trung thành tuyệt đối nhưng thực tế, lòng trung thành của samurai có thể thay đổi và chuyển sang phục vụ lãnh chúa có cấp bậc cao hơn hoặc Thiên Hoàng.

Samurai Nhật Bản vào thế kỷ 19. Ảnh: Yonhap News

Mặc dù samurai được biết đến là những chiến binh, nhưng cái tên “samurai” có gốc từ chữ “saburau”, nghĩa là “người chăm sóc, bảo vệ, phục vụ” (nhưng mang tính chất quyền quý). Theo Eiko Ikegami, Giáo sư Lịch sử và Xã hội học người Nhật Bản tại New School of Social Research, New York chia sẻ trong cuốn sách nổi tiếng nhất của mình, “The Taming of the Samurai” về lịch sử ra đời của Samurai, Samurai lần đầu tiên xuất hiện vào thời Heian, khoảng thế kỷ thứ 9.

Ban đầu, Samurai được biết đến là một đội quân tinh thông về cưỡi ngựa và bắn cung rong ruổi khắp nơi, nhưng lực lượng này nhanh chóng trở thành công cụ đắc lực để đàn áp quân nổi loạn cho Thiên hoàng và tay sai của các lãnh chúa và các dòng họ quý tộc. Dần dần, nhóm người này phát triển thành một giai cấp xã hội bằng cách định cư tại khu vực ruộng đất rộng lớn mình chiếm được bằng vũ lực.

Vào giữa thế kỷ 11, bản sắc Samurai đã được hình thành rõ nét và vững chắc nhờ sự kế thừa truyền thống gia tộc. Hơn một thế kỷ sau, với sự mở đầu của thời đại Mạc phủ Kamakura, Samurai từng bước giành lấy quyền lực để lật đổ tầng lớp thống trị, qua mặt cả giai cấp quý tộc truyền thống Nhật Bản trong 700 năm.

Trải qua nhiều thời đại trị vì ngắn ngủi của các vị hoàng đế khác nhau, cho đến cuộc Duy tân Minh Trị vào cuối thế kỷ 19, tầng lớp samurai chính thức bị bãi bỏ, nhường chỗ cho một tổ chức quân đội quốc gia theo kiểu phương Tây.

Hình tượng trung thành tuyệt đối

Hình ảnh trong phim ‘The Last Samurai’ (Võ sĩ đạo cuối cùng). Ảnh: Asia Kyungjae




Nhắc tới Samurai, nhiều người thường gắn hình ảnh họ với tinh thần Võ sĩ đạo và nhiệm vụ đầu tiên của một samurai là trung thành với lãnh chúa của mình đến tận lúc chết dù thời thế thay đổi. Nhật Bản có một hệ thống phong kiến mà ở đó, đội quân chiến binh samurai sẽ phục tùng lãnh chúa để đổi lấy sự đảm bảo về kinh tế và quân sự.

Thêm vào đó, nhiều người cũng nghĩ rằng nếu như lãnh chúa không thể tin tưởng vào lòng trung thành tuyệt đối của các samurai, toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ. Ý thức về lòng trung thành và danh dự này của người Nhật thường bị cho là cực đoan khi đội quân chiến binh này sẽ chiến đấu đến chết trong một trận chiến vô vọng để bảo vệ lâu đài của lãnh chúa họ phục tùng, hoặc thậm chí tự sát nếu họ cảm thấy bị lãnh chúa ruồng bỏ.

Tuy nhiên trên thực tế, samurai không nhất thiết phải trung thành tuyệt đối với duy nhất một lãnh chúa suốt cả cuộc đời. Lòng trung thành của samurai được cho là có thể thay đổi và chuyển sang trung thành với lãnh chúa có cấp bậc cao hơn hoặc Thiên Hoàng.

Chân dung của Todo Takatora, chỉ huy của Hải quân Nhật Bản trong trận Chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên. Takatora nổi tiếng là samurai thay đổi lãnh chúa nhiều nhất Nhật Bản. Ảnh: Asia Kyeongje




Todo Takatora là một trường hợp như vậy, ông nổi tiếng là samurai thay đổi chủ nhân nhiều nhất Nhật Bản với câu nói “Nếu không đổi lãnh chúa 7 lần thì không thể tự nhận là một võ sĩ.”

Vốn là một samurai có xuất thân tương đối khiêm tốn, Todo Takatora trở thành lãnh chúa, nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng về xây dựng lâu đài, đồng thời còn được biết đến là một trong những chỉ huy của Hải quân Nhật Bản trong trận Chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên. Trong suốt cuộc đời, Takatora đã thay đổi chủ nhân 7 lần và làm việc cho 10 lãnh chúa, nhưng rốt cục, ông chọn trung thành với chủ nhân cuối cùng là Tokugawa Ieyasu.

Do thời Chiến quốc ở Nhật Bản xuất hiện rất nhiều lãnh chúa phong kiến, chỉ những samurai giỏi nhất mới được chọn để giúp chủ nhân giành chiến thắng trong những cuộc cạnh tranh giữa các lãnh chúa với nhau khiến cho samurai không dễ dàng tìm được chủ nhân.

Các samurai đều có một “hồ sơ” chi tiết ghi chép những trận chiến đã tham gia hay thành tích đạt được. Lãnh chúa sẽ kiểm tra và thông qua hồ sơ của các samurai muốn thay đổi chủ nhân trước khi nhận họ vào đội quân của mình.

Hình tượng trung thành, quyết không phục vụ hai chủ của những chiến binh samurai trở nên phổ biến nhờ vào sự xuất hiện trong cuốn sách “Bushido: The Soul of Japan” (Tên tiếng Việt: Võ sĩ đạo – Linh hồn Nhật Bản) được viết bởi Inazo Nitobe, một chính trị gia hoạt động trong thời kỳ Minh Trị.

Tuy nhiên thực ra, các samurai có cuộc sống tương tự như những người làm công ăn lương ngày nay, và hoàn toàn được phép thay đổi lãnh chúa để theo đuổi chức danh và mức lương tốt hơn. Hơn nữa, trong thời Chiến quốc Nhật Bản, không ít lãnh chúa phong kiến không giữ được vị thế của mình, buộc các samurai phải đi tìm lãnh chúa khác để phục vụ.


Samurai Nhật Bản thời trung cổ chiến đấu trên lưng ngựa, sử dụng cung tên trước khi phát triển kiếm thuật xuất sắc. Ảnh: blog.naver.com

Một hiểu nhầm phổ biến khác về samurai trong văn hóa đại chúng gắn với biểu tượng kiếm thuật xuất sắc; song trên thực tế chiến đấu, samurai đã trải qua một thời kỳ dài sử dụng cung tên trước khi mang theo thanh kiếm katana bên mình.

Cho đến khi samurai bắt đầu chiến đấu trên lưng ngựa nhiều hơn, kiếm thuật mới phát triển nhờ dễ dàng sử dụng và hiệu quả chiến đấu vượt trội hơn so với cung tên. Trong thời kỳ Chiến quốc của Nhật Bản vào thế kỷ 16, kiếm cũng không còn là vũ khí hữu dụng với samurai vì hoạt động quân sự kết hợp giữa giáo dài và súng trở nên thịnh hành.
Nguồn: SH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *