Các tài liệu mật có liên quan đến trốn thuế, ấu dâm,… bị rò rỉ trong “Hồ sơ Panama” đã tạo nên một cơn chấn động chưa từng có trên toàn thế giới.
Chỉ trong 1 tuần , toàn thế giới đã bị chấn động khi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists – ICIJ) công khai “Hồ sơ Panama” (Panama Papers) với hơn 11 triệu e-mail, tài liệu mật của Mossack Fonseca, công ty luật có trụ sở tại Panama nhưng bị cáo buộc là chuyên cung cấp các dịch vụ giúp rửa tiền, trốn thuế. Đỉnh điểm của sự việc này là khi các quan chức hàng đầu thế giới cũng như những tỉ phú cũng có tên trong các tài liệu này với cáo buộc sử dụng các dịch vụ của Mossack Fonseca để trốn thuế.
Cơ bản là vậy, nhưng sau đây là 7 thông tin từ chuyên trang tài chính của CNN mà bạn đọc cần biết về Hồ sơ Panama, vụ rò rỉ tài liệu được xem là lớn nhất trong lịch sử:
1. Thông tin mới nhất
Một số tài liệu bị rò rỉ trong vụ bê bối này đã mang đến những rắc rối lớn cho Chính phủ Iceland đến nỗi Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson phải tuyên bố từ chức vào ngày hôm qua. Các tài liệu cho biết, ông ta và vợ có một công ty tại nước ngoài để giữ số tiền hàng triệu USD của mình, dù đã tuyên bố bác bỏ thông tin trên nhưng vì chịu sức ép từ hàng ngàn người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội, nên Sigmudur đã phải từ chức.
Ảnh minh họa: CNN Philippines
Ngoài ra, một số ngân hàng lớn khác như UBS, Credit Suisse và HSBC cũng bị cáo buộc giúp khách hàng của họ giấu tiền thông qua các công ty nước ngoài, nhưng họ cũng nhanh chóng phản bác thông tin ngay sau đó.
Trung Quốc đã chặn các website có đăng tải, thảo luận và các kết quả tìm kiếm có liên quan đến Panama Papers và Panama. Chính phủ này cũng đã chặn không cho nhắc đến tên của các vị lãnh đạo cấp cao và thân nhân của họ có tên trong tài liệu này, trong đó có ông Tập Cận Bình!
Trong khi đó, Chính phủ các nước Anh, Pháp, Bỉ, Úc và Mexico cam kết sẽ điều tra rõ ràng cho các cáo buộc trốn thuế trong tài liệu này.
2. Ai đang dính vào Hồ sơ Panama?
Theo điều tra, có tới 12 nguyên thủ quốc gia bị dính líu vào vụ rò rỉ này, cùng với đó là 128 chính trị gia và công chức khác, nổi bật là các cộng sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Liên đoàn bóng đá Thế giới FIFA, Tổng thống Argentina Mauricio Macri, cha của Thủ tướng Anh David Cameron, một số quan chức Trung Quốc, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko và một số nhân vật khác.
3. Họ nói gì?
Các quan chức FIFA cũng nằm trong tài liệu của Hồ sơ Panama.
Đa số các nhân vật bị cáo buộc đều nhanh chóng phản bác các thông tin rò rỉ cho rằng họ đã sử dụng các tài khoản bí mật để cất giấu hàng tỷ USD tại các ngân hàng nước ngoài.
Điện Kremlin tại Nga cho rằng, đây là những thông tin nhằm “bôi nhọ” ông Putin trước cuộc bầu cử của Quốc hội. FIFA cũng nhanh chóng phản bác và cho rằng các cáo buộc trên là “vô lý”. Các quan chức Trung Quốc tuyên bố, đây là các hồ sơ “vô căn cứ”, còn phát ngôn viên cho ông Macri tại Argentina cũng nhấn mạnh rằng ông không có bất cứ cổ phần nào tại công ty trên. Tổng thống Ukraina Poroshenko cũng nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc. Còn Thủ tướng Anh Cameron khẳng định không sở hữu bất kỳ cổ phiếu hay quỹ đầu tư tại các công ty nước ngoài.
4. Thành lập một công ty vỏ bọc hay mở tài khoản tại nước ngoài có bất hợp pháp?
Hẳn là không, một số lý do hợp pháp để thành lập các công ty vỏ bọc tại nước ngoài như thành lập các doanh nghiệp có quy mô toàn cầu. Nhưng việc thành lập công ty vỏ bọc hay các tài khoản ở nước ngoài có thể nhằm mục đích giữ tiền một cách bí mật hoặc thực hiện các hành động rửa tiền, chủ yếu là để trốn thuế.
Hồ sơ trên cũng bao gồm 33 cá nhân, doanh nghiệp bị Chính phủ Mỹ cho vào “danh sách đen” vì có liên quan đến các tổ chức khủng bố, các hành vi vi phạm pháp luật như bán ma túy.
5. Mossack Fonseca là ai?
Mossack Fonseca là một công ty luật có trụ sở tại Panama chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý dành cho các doanh nghiệp tại nước ngoài, được thành lập từ năm 1977 tức đã gần 40 năm. Công ty này cũng đã giúp thành lập hơn 240 ngàn công ty tư nhân khác tại nước ngoài ở hơn 200 quốc gia, chúng đều hoạt động hợp pháp (theo ICIJ).
Báo cáo cũng cho biết Mossack Fonseca là “1 trong 5 nhà buôn bán lớn nhất thế giới hoạt động bí mật tại nước ngoài”. Công ty cũng có khoảng 40 văn phòng trên toàn cầu, đa số là ở Trung Quốc và một số địa điểm khác được xác định là nơi cất tiền của các nhân vật lớn có trong danh sách, như Bahamas, quần đảo Virgin thuộc Anh, Seychelles và Anguilla.
Ramon Fonseca, đồng sáng lập Mossack Fonseca nói với CNN rằng các thông tin trên về công ty là sai sự thật, họ không làm điều gì sai, và các tài liệu mật trên bị rò rỉ là do tin tặc tấn công, và những người có tên trong danh sách cũng không phải khách hàng của Mossack Fonseca.
6. Thời điểm rò rỉ
Các tài liệu bị rò rỉ gây xôn xao dư luận đúng vào thời điểm các cáo buộc trốn thuế, rửa tiền tại các nước trên thế giới ngày càng nhiều, làm gia tăng căng thẳng cũng như áp lực cho các nước. Hồ sơ này cũng tiết lộ một quy mô rất lớn về tài chính ở nước ngoài.
7. Tại sao lại ở Panama?
Ảnh: Circle of Blue.
Panama là một nền kinh tế mở, chính nhờ mức thuế thấp (hoặc gần như không có) đã biến Panama thành một “thiên đường thuế” với khả năng được sử dụng để trốn thuế, rửa tiền rất cao. Panama là quốc gia nằm trong danh sách theo dõi của các nước có luật chống rửa tiền. Đây cũng là quốc gia nằm trong danh sách đen các “thiên đường thuế” và các thể chế không được hợp tác của Ủy ban Châu Âu.
Một số tài liệu rò rỉ của Hồ sơ Panama
Hồ sơ Panama” được cho là vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử, thậm chí lớn hơn vụ tiết lộ của WikiLeaks năm 2010 vì phanh phui các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến nhiều nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới.
Sau đây là những chi tiết cần biết về Hồ sơ Panama theo tờ The Independent của Anh:
Một hồ sơ của Công ty Luật Mossack Fonseca
Một hồ sơ được viết bằng tiếng Tây Ban Nha.
Đây là Passport của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, có vẻ ông cũng có liên quan tới vụ này.
Một hợp đồng xác nhận sở hữu cổ phần khác.
Trên đây chỉ là 1 phần rất nhỏ trong Hồ sơ Panama.
Nguồn: Genk