7 “bí ẩn động trời” đằng sau những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất mọi thời đại

Nhờ công nghệ hiện đại, chúng ta có thể khám phá ra những “bí mật động trời” được che giấu trong các tác phẩm nghệ thuật này.

Thiên thần – ác quỷ trong bức họa Ông lão đánh cá

Vào năm 1902, họa sĩ người Hungary – Tivadar Kosztka được công chúng biết đến nhiều với tác phẩm “Old Fisherman” (tạm dịch: Ông lão đánh cá). Bức tranh lột tả hình ảnh ông lão với khuôn mặt khá khắc khổ đang siết chặt chiếc gậy bằng hai bàn tay, phía sau là vùng biển tĩnh lặng. Tuy nhiên, nếu thử lấy một tấm gương và đặt vào giữa bức tranh, bạn sẽ phát hiện bức tranh ẩn chứa hai khuôn mặt với vẻ mặt hoàn toàn trái ngược nhau.

Theo đó, nếu đặt gương phản chiếu vẻ mặt bên trái, khuôn mặt của ông lão bỗng trở nên hiền dịu hơn với đôi tay chắp lại, phía sau là vùng biển hoàn toàn tĩnh lặng. Ngược lại, nếu đặt gương phản chiếu vẻ mặt bên phải, ông lão lập tức trở nên vô cùng đáng sợ với gương mặt của quỷ dữ và sóng biển cuộn trào phía sau.




Nàng Mona Lisa từng có lông mày

Chúng ta đều biết nàng Mona Lisa – nhân vật chính trong tuyệt tác của Leonardo Da Vinci không có lông mày và lông mi. Đây thậm chí còn trở thành điều dễ nhận biết nhất về bức tranh này, ngoài nụ cười của Mona Lisa.

Nhưng cách đây không lâu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nàng Mona Lisa ban đầu có cả lông mày và lông mi. Theo đó, ảnh quét có độ phân giải 240 triệu pixel cho thấy dấu hiệu hiện hữu lông mày và mí mắt ở cả hai bên mắt của chủ thể trong bức họa nguyên thủy. Tuy nhiên các chi tiết này vô tình bị mất đi trong quá trình phục chế của các nhà bảo tồn sau này.




Bức tượng David có đôi mắt dị thường

Bức tượng chàng David của Michelangelo là một kiệt tác về giải phẫu con người, nhưng có một điểm bất thường. Theo đó, mắt phải của David nhìn thẳng về phía trước trong khi mắt trái nhìn ra bên trái. Michelangelo có lẽ đã tính toán mọi góc độ và chạm khắc đôi mắt dựa vào vị trí của người xem, vì vậy bức tượng sẽ trông hoàn hảo từ nếu nhìn từ các phía khác nhau.




Các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ đại đã được tô màu

Nhắc đến các tác phẩm điêu khắc của Hy Lạp và La Mã cổ đại, chúng ta thường nhớ đến các bức tượng tuyệt đẹp màu trắng đặc trưng được làm từ đá cẩm thạch.

Tuy nhiên trên thực tế, đây không phải là diện mạo nguyên bản của các tác phẩm này. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra được dấu tích của màu sơn ban đầu trên các bức tượng điêu khắc, và hé lộ sự thật về diện mạo gốc của chúng. Nghiên cứu cho biết các bức tượng đơn sắc ngày nay ban đầu được sơn các màu sắc tươi sáng. Nhưng qua nhiều thế kỷ, màu sơn gốc đã bị “bay màu” bởi hiện tượng phong hóa.

Tuy nhiên, một số dấu vết nhỏ của màu sơn gốc vẫn còn sót lại, từ đó giúp các nhà nghiên cứu có thể xác định màu nào đã được sử dụng và ở đâu.




Dây đai của Madame X được vẽ theo một cách khác

Quý cô X hay Chân dung quý cô X (tên gốc tiếng Anh: Portrait of Madame X) là tác phẩm tranh sơn dầu của họa sĩ người Mỹ, John Singer Sargent, phác họa chân dung bà Virginie Amélie Avegno Gautreau, vợ của chủ ngân hàng người Pháp, Pierre Gautreau. Quý cô X thể hiện sự đối lập giữa làn da trắng của người mẫu và phông nền trầm tối cùng chiếc váy đen mà cô đang mặc.

Tuy nhiên, bức tranh nhận được nhiều ý kiến nhận xét trái chiều ngay khi ra mắt công chúng tại Pháp vào năm 1884. Trong phiên bản ban đầu của bức tranh, John Singer Sargent đã vẽ dây đeo váy của Madame Pierre Gautreau tuột ra ở bên vai phải. Tuy nhiên, chi tiết này đã bị một số người chỉ trích và cho rằng nó quá hở hang.

Bản thân ông Pierre Gautreau sau đó đã yêu cầu Sargent hủy bỏ bức tranh, nhưng vì không nhận được tiền hoa hồng nên ông từ chối. Sau cùng, để cứu vãn sự nghiệp của mình, Sargent đã vẽ lại phần dây đeo, đồng thời đổi tên bức tranh thành Madame X.




Thông điệp ẩn bên trong bức họa Café Terrace at Night của Vincent van Gogh,

Một số người tin rằng Vincent Van Gogh đã ẩn giấu một thông điệp qua bức tranh “Café Terrace at Night” của ông. Cụ thể, có 12 người trong quán cà phê tượng trưng cho 12 tông đồ trong khi người phục vụ ở giữa có hình dáng giống như chúa Jesus. Ngoài ra còn có biểu tượng hình chữ thập ngay sau lưng người phục vụ trên ô kính cửa sổ. Khung cảnh này gợi nhớ đến bức tranh Bữa Ăn Tối Cuối Cùng của Leonardo Da Vinci, vốn vẽ lại cảnh Chúa Jesus ngồi ăn với các môn đồ của mình trước khi bị chính quyền La Mã bắt và bị đóng đinh lên thập tự giá.





Bức tranh nổi tiếng Lady with a Ermine ban đầu không có sự xuất hiện của con chồn hương

Các phân tích bằng kĩ thuật cao sau này cho thấy Leonardo da Vinci đã liên tục thay đổi ý định trong quá trình thực hiện bức tranh. Theo đó, sau khi phân tích từng lớp của bức tranh Lady with a Ermine bằng công nghệ phản xạ ánh sáng, các nhà nghiên cứu phát hiện Leonardo da Vinci đầu tiên đã vẽ một phiên bản “không có con chồn hương”, trước khi chỉnh sửa và thêm thắt lại. Bản thân bộ lông của con chồn hương trong bức tranh này cũng đã được da Vinci chỉnh sửa lại tới 2 lần.

Nguồn: GNK

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *