6 tuyệt tác khổng lồ bằng đá cổ xưa trên thế giới – Ai đã xây dựng chúng?

Trên thế giới hiện nay vẫn còn tồn tại một số công trình đá cổ đại với kích thước đồ sộ, kỹ thuật chế tác tinh xảo và độ chính xác gần như tuyệt đối.

Tuyệt tác khổng lồ bằng đá này là Đền Hoysaleswara nằm ở thị trấn Halebidu, bang Karnataka, miền tây nam Ấn Độ. (Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra/Wikipedia)

Với trình độ khoa học kỹ thuật và máy móc như hiện nay thì con người cũng khó có thể xây dựng nên các công trình như thế. Vậy ai đã xây dựng nên các tuyệt tác khổng lồ bằng đá này?

Sau rất nhiều năm nghiên cứu những tuyệt tác khổng lồ bằng đá này, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra được câu trả lời thích đáng về nguồn gốc ra đời và cách thức mà chúng được tạo ra.

1. Khu di chỉ Tiwanaku
Nằm trên độ cao gần 3.900 mét so với mực nước biển, thành phố cổ Tiwanaku và di chỉ cự thạch Puma Punku cách đó chỉ vài trăm mét là hai địa điểm khảo cổ bí ẩn nhất thế giới của Bolivia.

Hai công trình này không chỉ gây sửng sốt cho thế giới về kỹ thuật chế tạo đá hết sức cao, mà còn hé lộ về một nền văn minh tiền sử đã biến mất.

Công trình nổi tiếng nhất của Tiwanaku là quần thể đền Kalasasaya, được bao quanh bởi một bức tường thành bằng đá hình chữ nhật có diện tích khoảng 128,74m x 118,26m và chỉ có một cổng vào. Rải rác trong khu đền là các khối đá hình chữ nhật và các cột đá được trang trí với các đường chạm khắc.

Ấn tượng nhất là bức tường bao quanh Kalasasaya được làm từ các phiến đá sa thạch đỏ, có phiến nặng đến 130 tấn.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đau đầu để tìm ra câu trả lời vì sao người xưa có thể vận chuyển các khối đá khổng lồ đến Tiwanaku từ mỏ đá cách đó hơn 10 km.

Quan sát kỹ hơn các công trình của Tiwanaku cho thấy một trình độ kỹ thuật hết sức cao nằm trong quá trình xây dựng các công trình đá ở đây:

Nhiều khối đá chữ nhật được cắt với cạnh góc vuông hoàn hảo. Khi được ráp với nhau, chúng tạo thành các liên kết khít tới nỗi một tờ giấy hay một cây kim cũng không thể len vào giữa.

Cách quần thể đền Kalasasaya chỉ khoảng vài trăm mét, là khu di chỉ cự thạch lớn Puma Punku. Đây là một công trình xây dựng bằng những phiến đá khổng lồ được điêu khắc tinh vi, vuông góc, bề mặt nhẵn mịn như gỗ được bào kỹ lưỡng. Các phiến đá ở Puma Punku có viên nặng hơn 100 tấn. Puma Punku giống như một bãi xếp hình lego khổng lồ.

Các phiến đá chữ H đã được xẻ rãnh và lắp ghép với nhau để có thể khớp vào theo cả ba chiều cực kỳ phức tạp, tạo ra các kiến trúc đủ mạnh có thể chống lại cả động đất. (Ảnh: Janikorpi/Wikipedia)




Nổi tiếng nhất ở Puma Punku là các phiến đá hình chữ H. Các phiến đá chữ H đã được xẻ rãnh và lắp ghép với nhau để có thể khớp vào theo cả ba chiều cực kỳ phức tạp, tạo ra các kiến trúc đủ mạnh có thể chống lại cả động đất.

Các đường rãnh được khắc vào các phiến đá đều thẳng tắp, có độ sâu đồng đều. Ngoài ra có nhiều lỗ khoan được phát hiện trên các phiến đá với đường kính giống nhau tuyệt đối.

Một điểm đặc biệt là toàn bộ các khối đá ở Puma Punku được làm từ 2 loại đá chính: đá granite và đá diorit, độ cứng của chúng chỉ thua kim cương. Điều này làm người ta liên tưởng đến công nghệ chế tác bằng tia laser mà con người hiện đại mới bắt đầu từng sử dụng từ cuối thế kỷ 20.

Các nhà nghiên cứu về xây dựng còn cho rằng, xét về độ phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao của công trình, các kim tự tháp ở Ai Cập cổ đại quá đơn giản so với di chỉ ở Puma Punku.

2. Đền Jupiter ở Baalbek, Li Băng
Ở thành phố Baalbek miền đông Li Băng có lưu lại một tàn tích có tên gọi là Đền Jupiter được xây dựng từ những viên đá nặng hàng trăm tấn.

Một trong những tuyệt tác khổng lồ bằng đá là đền Jupiter tại Li-băng, được xây dựng từ những viên đá nặng hàng trăm tấn và được chế tác bằng thiết bị với công nghệ cao. (Ảnh: Vyacheslav Argenberg/Wikipedia)




Tàn tích tại Baalbek hùng vĩ đến tuyệt đối, với một cái sân rộng lớn, công trình được xây cất trên nền đất rộng mà ngày nay vẫn còn ba bức tường khổng lồ ngăn đỡ. Những bức tường ngăn này được hình thành từ 27 khối đá, với kích thước lớn hơn bất kì khối đá nào có thể được tìm thấy trên thế giới. Mỗi một khối đá nặng ít nhất là 300 tấn, và có ba khối đá nặng hơn 800 tấn. Ba khối đá này nổi tiếng với tên gọi “Đại Tam Thạch” (Trilithon). Đại Tam Thạch trong những bức tường ngăn là ba trong bốn tảng đá lớn nhất từng được nhấc lên trong lịch sử.

Gần lối vào phía nam của Baalbek là một mỏ đá, nơi đá được khai thác cho đền thờ. Tại khu vực này có một tảng đá nguyên khối đã được xử lý lớn nhất Trái đất. Nó có tên là “Tảng Đá Thai Phụ” với khối lượng ước tính khoảng 1650 tấn, với kích thước 21.5m x 4.8m x 4.2m. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng phải dùng tới 24 cần cẩu hạng nặng mới có thể nhấc nó lên được, nhưng di chuyển là điều không tưởng.

“Tảng Đá Thai Phụ” với khối lượng ước tính khoảng 1650 tấn, với kích thước 21.5m x 4.8m x 4.2m. (Ảnh: Ralph Ellis/Wikipedia)




Trong khi đang cố gắng xác minh nguồn gốc đích thực của ngôi đền tại Baalbek này, giới khoa học hàn lâm đã khẳng định rằng vào năm 27 trước công nguyên, Hoàng Đế La Mã Augustus đã cho xây dựng một ngôi đền vĩ đại sang trọng bậc nhất này.

Nhưng điều này được cho là khó hiểu bởi vào thời La Mã, Baalbek chỉ là một thành phố nhỏ nằm trên tuyến đường buôn bán tới Damascus. Nó không có một tầm quan trọng nào về tôn giáo hay văn hóa đối với La Mã. Thật khó hiểu tại sao một đế chế La Mã lại phải vất vả khó nhọc tạo ra một công trình kiến trúc tráng lệ và xa xỉ tại một nơi cách rất xa La Mã như Baalbek.

Hơn nữa theo các tài liệu ghi chép khả năng di chuyển những khối đá lớn tại La Mã thời đó là chỉ hơn 300 tấn là đã gặp một mức độ khó khăn rất lớn. Những tảng đá nặng tới 800 tấn như ba khối “Đại Tam Thạch” hoàn toàn nằm ngoài khả năng của người La Mã.

Vậy Đền Jupiter được xây dựng bằng cách nào?

Nhà nghiên cứu nổi tiếng Graham Hancock đề xuất giả thuyết cho rằng những tảng cự thạch này đã được tạc bởi một nền văn minh lâu đời hơn, có niên đại có lẽ khoảng 12.000 năm trước. Người La Mã chỉ là ghi dấu ấn thêm cho công trình này sau khi bị hấp dẫn bởi sự hùng vĩ của nó.

 3. Đền Hoysaleswara, Ấn Độ
Đền Hoysaleswara nằm ở thị trấn Halebidu, bang Karnataka, miền tây nam Ấn Độ được đánh giá là quần thể kiến trúc đặc trưng, mẫu mực nhất của triều đại Hoysala (1000-1346) còn lại cho đến nay.

Các nhà sử học cho rằng đền Hoysaleswara được xây dựng bởi vua Vishnuvardhana từ thế kỷ 12, dành riêng cho việc thờ phụng các vị thần trong tín ngưỡng đạo Hindu.

Tuy nhiên, những chi tiết đá trong ngôi đền đã làm cho người xem phải băn khoăn, những người thợ đá thủ công ngày xưa đã tạo ra chúng như thế nào?

Quan sát gần hơn các trụ đá, ta thấy có các họa tiết và các vòng tròn rất đều nhau bao xung quanh. Hơn nữa các hoạ tiết giữa các cột trụ khác nhau rất đồng đều về kích thước. Điều này chứng tỏ các cột trụ đá không thể được chế tác bởi công cụ thủ công thô sơ như búa và đục, mà chúng được tạo ra bởi máy móc.

Không chỉ có các cột trụ được tiện tròn, đền Hoysaleswara còn có các cột trụ đá hình đa giác đều hoặc có họa tiết phức tạp được chế tác hết sức tinh xảo và đồng đều.




Các cột trụ được tiện tròn có họa tiết phức tạp được chế tác hết sức tinh xảo và đồng đều bên trong đền Hoysaleswara. (Ảnh: Anks.manuja/Wikipedia)

Với các công cụ hiện đại ngày nay, chúng ta có thể tạo ra các họa tiết và thiết kế tinh xảo như vậy bằng các máy chính xác, nhưng ngay cả như vậy, việc gia công các trụ đá cao 3,7m như trên vẫn là một công việc rất khó. Vậy làm cách nào những cột trụ này có thể được tạo ra một cách hoàn hảo như vậy vào thời cổ đại?

Những phát hiện trên đã khẳng định phần nào rằng ngôi đền Hoysaleswara đã được chế tạo bởi các công nghệ hiện đại, không kém, thậm chí còn trội hơn hiện nay.




Tuy nhiên, điều kỳ lạ là nó được tạo ra từ thế kỷ 12. Nếu như vậy thì hẳn khi đó Ấn Độ đã có trình độ phát triển hết sức cao, với những cỗ máy khổng lồ có công suất rất lớn để có thể điêu khắc được các tảng đá nguyên khối thành những kiến trúc tinh xảo. Cũng có nghĩa là khi đó trình độ khoa học của Ấn Độ đã phải rất phát triển.

Nhưng, lịch sử khoa học và công nghệ của Ấn Độ hoàn toàn không nói đến những điều này ở thế kỷ 12. Và nếu thực sự Ấn Độ đã có kỹ thuật phát triển ở mức độ như vậy vào 900 năm trước thì có lẽ họ đã không là thuộc địa của Anh vào thế kỷ 18 và hiện nay họ cũng sẽ không ở trong danh sách những nước đang phát triển trên thế giới. Vì thế việc xây dựng đền Hoysaleswara vẫn là điều bí ẩn.

4. Nhà thờ đá nguyên khối bí ẩn ở Ethiopia
Có hàng nghìn nhà thờ đá được xây dựng ở Ethiopia, quốc gia Cơ đốc giáo cổ nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ở đây có những nhà thờ có kiến trúc đặc biệt, đó là các nhà thờ được tạc từ đá nguyên khối.

Một trong những nhà thờ nguyên khối, tuyệt tác khổng lồ bằng đá, tại thị trấn Lalibela, bang Amhara, Ethiopia. (Ảnh: Bernard Gagnon/Wikipedia)




Thị trấn Lalibela thuộc tỉnh North Wollo, bang Amhara, nằm ở độ cao 2.500 mét so với mực nước biển, phía bắc của Ethiopia.

Chỉ có vỏn vẹn 1,5 vạn người, nhưng Lalibela là một trong những thành phố linh thiêng nhất của Ethiopia. Nó là cố đô của vương triều Zagwe và là một trung tâm hành hương của những người Kitô giáo tại Ethiopia.

Lý do khiến Lalibela trở thành địa điểm linh thiêng của đất nước sùng đạo Thiên Chúa này là 11 nhà thờ được tạo từ đá nguyên khối nằm dưới lòng đất. Những công trình cự thạch này được chia thành 3 nhóm và được nối với nhau bởi các thông đạo được khoét trong lòng đá giống những mê cung.

Ở nhóm công trình phía Bắc, nhà thờ Bet Medhane Alem (nhà thờ Đấng Cứu Thế) được xem là nhà thờ đá nguyên khối rộng nhất trên thế giới. Công trình này dài 33,5m, rộng 23,5m và cao 11,5m. Có bộ diềm mái chạm khắc được đỡ bởi 34 chiếc cột vuông.

Nhóm phía Tây của có nhà thờ Bet Giyorgis (nhà thờ Thánh George), được bảo tồn nguyên vẹn nhất. Nhà thờ Bet Giyorgis nằm trong một hào đá được khoét sâu dưới mặt đất với kích thước rộng 25×25 mét và sâu 30m. Đây cũng là công trình đẹp nhất và nổi tiếng nhất với mặt chiếu bằng có hình dáng chữ thập với nhiều chi tiết điêu khắc tinh xảo.

Nhóm cực Đông bao gồm 4 nhà thờ dành riêng cho hoàng gia.

Tương truyền rằng để có thể xây dựng được 11 nhà thờ trong thời gian 24 năm, nhà vua Gebre Mesqel Lalibela đã sử dụng 40.000 thợ điêu khắc đá lành nghề. Tuy nhiên với tiềm lực kinh tế và con người của Ethiopia lúc bấy giờ việc làm thế nào để nuôi sống và cung cấp điều kiện làm việc cho 40.000 người trong 24 năm là một câu hỏi lớn.




Ngoài ra, có thể thấy kiến trúc, trình độ điêu khắc của một số nhà thờ đá nguyên khối ở Lalibela rất hiện đại, bề thế, tinh mỹ, vượt trên hẳn trình độ xây dựng của Ethiopia gần 1.000 năm trước. Vậy bằng cách nào người Ethiopia 900 năm trước có thể hình dung và xây dựng những công trình có trình độ vượt trên nhận thức của họ lúc bấy giờ?

Một số giả thuyết cho rằng có khả năng người tiền sử với trình độ công nghệ tiên tiến đã xây dựng các nhà thờ đá này và sau khi được người Ethiopia phát hiện họ đã cải tạo và sử dụng nó cho mục đích tín ngưỡng của Cơ đốc giáo. Tuy vậy, những giả thuyết này chỉ khiến cho nguồn gốc của 11 nhà thờ đá nguyên khối này khoác lên nó vẻ huyền bí.

5. Angkor Wat
Rất nhiều người Việt đã từng sửng sốt trước sự vĩ đại của Angkor Wat khi tham quan ngôi đền này ở Campuchia. Nhưng chúng ta sẽ còn sửng sốt hơn nhiều nếu biết về nguồn gốc bí hiểm của công trình này.

Angkor Wat – cụm các công trình tôn giáo cực lớn với vẻ hùng vĩ và hài hòa của kiến trúc, sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc – một trong những tuyệt tác khổng lồ bằng đá của văn minh tiền sử. (Ảnh: Wikipedia)




Angkor Wat là một cụm các công trình tôn giáo cực lớn với diện tích lên đến 162,6 hecta. Ngôi đền được ngưỡng mộ bởi vẻ hùng vĩ và hài hòa của kiến trúc, sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc và số lượng lớn các vị thần được trang hoàng trên những bức tường đá.

Tháp trung tâm của Angkor Wat cao 65m, cao hơn bất cứ một tháp chuông nhà thờ nào ở châu Âu được xây dựng trước thế kỷ 15. Bên dưới các tòa tháp lớn là các đường hành lang dài hun hút, mát lạnh với các khối phù điêu sống động.

Theo các nhà sử học hiện nay, vua Khmer Suryavarman II trị vì Đế quốc Khmer từ năm 1113 đến 1145 được coi là người đã xây dựng đền Angkor Wat trong suốt những năm ông tại vị.

Tuy nhiên điều này đặt ra nghi vấn lớn, bởi thời trị vì của Suryavarman II là khoảng thời gian Đế quốc Khmer đã trên con đường lụi tàn, thậm chí ông còn được cho là thua trận và chết trong trận chiến khi cố gắng xâm chiếm Đại Việt nước ta vào năm 1245. Và năm 1250, Vương quốc Champa cũng đã chiếm đóng Khmer trong một thời gian ngắn. Vậy rất khó để Suryavarman II có thể xây dựng Angkor Wat như các nhà sử học vẫn nhìn nhận.

Một so sánh khác, để xây dựng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh có diện tích chưa đến một nửa so với Angkor Wat, người Trung Quốc vào thế kỷ 15 khi đó đã sử dụng đến 1 triệu công nhân, trong đó có hơn 100 ngàn thợ thủ công xây dựng liên tục trong 14 năm. Nên rất khó có thể hình dung rằng trong thế kỷ 12, người Khmer lại có tiềm lực ngang bằng hoặc hơn so với Trung Quốc ở thế kỷ 15, để có thể xây dựng được đền Angkor Wat vĩ đại.

Như vậy, có cơ sở để khẳng định rằng đền Angkor Wat không hẳn được xây dựng bởi người Khmer những năm 1100 như người ta vẫn nhìn nhận. Vậy ai là chủ nhân thực sự của Angkor Wat?

6. Kim tự tháp Giza
Trong số các kim tự tháp ở Ai Cập, kim tự tháp Giza chính là công trình kỳ vĩ nhất với chiều cao lên tới 146 m, chiều dài đáy là 227,7 m. Để xây dựng được công trình này, người ta phải sử dụng tới hơn 2,5 triệu m2 đá, với diện tích đáy lên tới 52.198,16 m2.

Kim tự tháp Giza là một trong những tuyệt tác khổng lồ bằng đá của người cổ đại. (Ảnh: Nina/Wikipedia)

Điều gây ngạc nhiên là dù công trình đồ sộ như vậy, độ chênh lệch giữa các góc chỉ dao động trong vòng 8-15cm, một sự chính xác gần như tuyệt đối.

Theo cách hiểu thông thường, người Ai Cập cổ đại đã xây dựng kim tự tháp Giza vào khoảng 2.500 trước Công nguyên, nhưng luận điểm này bộc lộ một vài sơ hở.

Điểm đầu tiên cần phải được nhắc đến là kim tự tháp Giza được xây dựng từ các khối đá thiên nhiên nguyên khối, hoàn toàn không sử dụng các vật liệu liên kết như cách chúng ta dùng xi măng trong công nghệ xây dựng hiện đại. Các khối đá có cân nặng đôi khi đến vài chục tấn được đẽo gọt và ghép lại với nhau theo một cách không thể hoàn hảo hơn, điều này đảm bảo độ vững chắc, hoàn hảo và trường tồn với thời gian.

Các khối đá này được liên kết với nhau hoàn toàn dựa trên trọng lượng của chúng. Phải biết rằng, loại đá này không phải luôn được lấy ngay ở gần kim tự tháp mà một số trường hợp, phải được vận chuyển từ những địa điểm cách xa nơi xây dựng hàng trăm thậm chí hàng ngàn km.

Với những thông số như vậy, việc xây dựng một kim tự tháp tầm cỡ như Kim Tự Tháp Giza cũng là vô cùng khó khăn với trình độ khoa học công nghệ của con người hiện đại, với người Ai Cập cổ đại chủ yếu dùng sức người thì lại càng bất khả thi.

Ngày nay, trong giới khoa học còn nhiều tranh cãi về cách thức xây dựng Kim Tự Tháp. Có một lý giải khá hợp lý là Kim Tự Tháp được xây bởi một nền văn minh tiền sử có trình độ khoa học kỹ thuật cao.

Sử gia Gerry Cannon, người có nhiều năm nghiên cứu về Kim Tự Tháp Giza thì khẳng định rằng:

“Tôi đã thực hiện một số nghiên cứu và phát hiện sự liên hệ giữa các kim tự tháp đến một lục địa bị nhấn chìm. Nó có thể là Atlantis, khi Atlantis chìm họ đã di tản khắp nơi, có lẽ một nhóm đã tới Ai Cập và tất nhiên họ hoàn toàn đủ trình độ và khả năng công nghệ để xây lên các kim tự tháp như chúng ta đã thấy. Không ai khác có thể làm được điều này, nó đòi hỏi công nghệ rất cao. ”


Các nghiên cứu và phát hiện đã cho thấy những phần vĩ đại, đẹp đẽ, chắc chắn nhất của những công trình đá cổ đại được kể trên rất có thể đã được xây dựng bởi những nền văn minh tiền sử, trước nền văn minh 5.000 năm lần này.

Và những người cổ đại của văn minh lần này đã sử dụng, bổ sung hoặc xây dựng những công trình sao chép ngay bên cạnh với trình độ kỹ thuật, giá trị thẩm mỹ và độ bền kém hơn. Điều này khiến cho con người ngày nay không dễ để phân biệt được ai là chủ nhân thật sự đã xây dựng nên những công trình đá vĩ đại đó.

Những tuyệt tác khổng lồ bằng đá cổ đại này vẫn tồn tại sừng sững với thời gian và thách thức trí hiểu biết của nhân loại chúng ta.

Nguồn: NTDVN 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *