50 năm trước, vì sao phi hành gia lên Mặt Trăng đều mắc “bệnh lạ”, triệu chứng giống nhau?

Sau khi đặt chân lên Mặt Trăng, các phi hành gia của NASA mắc “bệnh lạ” và kéo dài trong vài tuần mới khỏi. Đó là gì?

Cách đây hơn nửa thế kỷ, để bắt kịp thế chủ động khám phá vũ trụ, nhất là sau khi Liên Xô phóng nhiều tàu thăm dò tới Mặt Trăng, Mỹ đã liên tiếp thực hiện 6 cuộc đổ bộ (từ Apollo 11 đến Apollo 17) đưa con người lên hành tinh này. Có 12 phi hành gia của Mỹ từng đặt chân lên Mặt Trăng.

6 cuộc đổ bộ lịch sử này đã thực hiện một loạt nghiên cứu trên bề mặt Mặt Trăng, đồng thời thu thập được một phần đất trên hành tinh này đưa trở về Trái Đất để tiến hành nghiên cứu chuyên sâu.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là sau khi 12 phi hành gia từng tham gia vào sứ mệnh đặt chân lên Mặt Trăng trở về Trái Đất, các chuyên gia tiết lộ rằng họ mắc phải “bệnh lạ” với các triệu chứng giống nhau, nhất là nghẹt mũi và hắt hơi nghiêm trọng. Căn bệnh kỳ lạ này kéo dài trong vài tuần rồi mới khỏi.

Vậy, đâu là nguyên nhân khiến các phi hành gia này nhiễm bệnh?

Nguyên nhân khiến các phi hành gia mắc “bệnh lạ”

Căn bệnh bí ẩn với các phi hành gia trở về từ Mặt Trăng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Sau khi tiến hành nghiên cứu về vấn đề này, các nhà khoa học dần nhận ra sự thật. Thủ phạm chính gây ra căn bệnh này hóa ra là do lớp bụi trên Mặt Trăng.

Bụi Mặt Trăng chính là hạt bụi mịn ở trên bề mặt của hành tinh này. Trước đó, có một nghiên cứu vào năm 2018 chỉ ra rằng, tiếp xúc với bụi Mặt Trăng có thể làm tổn thương tới tế bào phổi của con người.

Phi hành gia Eugene Cernan trên tàu Apollo 17. Bộ đồ vũ trụ của phi hành gia này phủ đầy bụi Mặt Trăng. Ảnh: NASA

Theo đó, khi các phi hành gia bước ra khỏi module Mặt Trăng, dù họ đã mặc bộ đồ vũ trụ, nhưng vẫn bị bụi Mặt Trăng bám vào. Nguyên nhân là bề mặt của Mặt Trăng và bụi lơ lửng trong không khí sẽ bị xáo trộn vì sự hạ cánh của module Mặt Trăng, cũng như chuyển động của các phi hành gia.

Hơn nữa, khi các phi hành gia thực hiện đi bộ trên Mặt Trăng và quay trở lại module, do sự hạn chế của lúc bấy giờ nên họ không nhận ra sự tồn tại của những hạt bụi này. Nguyên nhân một phần do bụi đã phân tán trong không gian của module, sau đó đã xâm nhập vào cơ thể người do không có sự bảo vệ của bộ đồ vũ trụ.

Chương trình Apollo của NASA được thực hiện từ năm 1961 – 1972. Trong thời gian này, nhiều chuyến tàu vũ trụ được tiến hành và có tới 12 phi hành gia đặt chân lên Mặt Trăng. Apollo được coi là một trong những chương trình quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ với mục tiêu khám phá Mặt Trăng.

Sau đó, các phi hành gia đều nhớ lại một cảm giác chung, đó là trong không khí có một mùi khó chịu như “thuốc súng”. Thực ra đó chính là mùi của bụi Mặt Trăng. Những hạt bụi này rất mịn, và thậm chí còn nhỏ hơn loại bụi PM2.5. Sau khi xâm nhập trực tiếp vào đường thở và phổi người, chúng gây ra một loại bệnh bí ẩn với các triệu chứng đa dạng như hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng và thậm chí là chảy nước mắt.

Các triệu chứng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng các nhà khoa học tự hỏi làm thế nào bụi Mặt Trăng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của các phi hành gia về lâu dài. Hoặc liệu loại bụi này có thể gây ra các vấn đề tương tự như những vấn đề do bụi trên Trái Đất gây ra hay không.

Tại sao lại có nhiều bụi trên bề mặt của Mặt Trăng?

Theo các nhà khoa học, do Mặt Trăng không có khí quyển, đồng thời dưới ảnh hưởng của các hoạt động địa chất lâu dài trước đó, các cuộc đổ bộ của thiên thạch…., đá Mặt Trăng dần bị phân hủy tạo thành các hạt mịn. Nguyên nhân thứ hai là dưới tác động của gió Mặt Trời, các hạt bụi trên bề mặt của Mặt Trăng sẽ dần bị phân mảnh và tạo thành các hạt bụi mịn hơn.

Nguyên nhân thứ ba là do môi trường lượng của một vật trên bề mặt của Mặt Trăng yếu, chỉ bằng 1/6 so với Trái Đất. Do đó, khi lớp bụi từ từ lắng xuống gặp phải những nhiễu động bên ngoài, như sự hạ cánh của tàu vũ trụ, các phi hành gia đi bộ trên bề mặt, chúng sẽ dễ dàng được đưa trở lại trong không khí. Do lơ lửng trong một thời gian dài nên nó rất dễ bám dính vào bộ đồ vũ trụ của các phi hành gia.

Ông Harrison Schmitt, phi hành gia của NASA mô tả căn bệnh bí ẩn này trong sứ mệnh Apollo 17 là “lunar hay fever”.

Phi hành gia Harrison Schmitt đặt chân lên Mặt Trăng trong trong sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972 của NASA. Ảnh: NASA

Kim Prisk, chuyên gia tại ĐH California, một trong 12 nhà khoa học tham gia nghiên cứu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết: “Chúng tôi không biết về mức độ xấu của loại bụi này ra sao. Tất cả đều phụ thuộc vào nỗ lực ước tính về mức độ rủi ro liên quan đến các nhiệm vụ trong tương lai”.

Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, bụi Mặt Trăng có chứa silicate, một loại vật chất thường được tìm thấy trên những nơi có hoạt động núi lửa. Trên thực tế, những người thợ mỏ trên Trái Đất thường bị bệnh bụi phổi silic do hít phải silicate.

Bụi Mặt Trăng – thách thức cho sứ mệnh chinh phục không gian

“Các hạt bụi Mặt Trăng nhỏ hơn sợi tóc người tới 50 lần và có thể tồn tại hàng tháng trời bên trong phổi của con người. Khi ở càng lâu, cơ hội dẫn tới các tác động độc hại lại càng lớn hơn”, nhà nghiên cứu Kim Prisk cho biết.

Theo các nhà khoa học, hít phải bụi Mặt Trăng có thể gây phá huỷ các tế bào phổi và não sau khi tiếp xúc lâu dài.

Trên Trái Đất, các hạt bụi có xu hướng mịn hơn sau nhiều năm bị xói mòn bởi gió và nước. Thế nhưng bụi Mặt Trăng lại không tròn, thay vào đó chúng nhọn và có gai.

Gene Cernan là phi hành gia của tàu Apollo 17 và thực hiện bay lên Mặt Trăng vào năm 1972. Trong ảnh, phi hành gia Gene Cernan chụp ảnh trước cờ nước Mỹ và các thiết bị. Ảnh: NASA

Nghiên cứu trước đây cho thấy rằng, hít thở bụi độc hại từ núi lửa phun trào, bão bụi và mỏ than có thể gây viêm phế quản, thở khò khè, kích ứng mắt và sẹo ở phổi. Các hạt bụi có thể tích tụ trong đường thở của một người và thậm chí xâm nhập vào phế nang. Ngoài ra, bụi xâm nhập vào cơ thể người cũng có thể làm hỏng DNA , có thể gây đột biến và thậm chí là dẫn đến ung thư.

Để phân tích về nguy cơ của bụi Mặt Trăng đối với cơ thể người, các nhà khoa học, dẫn đầu là Rachel Caston, nhà di truyền học tại ĐH Stony Brook (New York, Mỹ) đã tiến hành thử nghiệm cho tế bào sống của con người và chuột tiếp xúc với loại bụi tương tự như bụi Mặt Trăng. Kết quả cho thấy, có tới 90% tế bào não chuột và tế bào phổi của con người đã chết sau khi tiếp xúc với loại bụi này.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng loại bụi này cũng gây ra tổn thương DNA đáng kể trong tế bào thần kinh của chuột.

Ảnh hưởng của bụi Mặt Trăng là một vấn đề đáng quan tâm đối với bất kỳ phi hành gia nào, đặc biệt là những người tham gia vào sứ mệnh đặt chân lên Mặt Trăng trong tương lai.

Sau khi các phi hành gia trở về từ Mặt Trăng, căn bệnh họ mắc phải không phải lạ, thay vào đó là một phản ứng bình thường của cơ thể. Điều này không có nghĩa là Mặt Trăng có độc. Tuy nhiên, nếu hít phải nhiều bụi Mặt Trăng sẽ tiềm ẩn nguy cơ đe doạ đến sức khoẻ của các phi hành gia.

Hiện nay, nhiều quốc gia đang ngày càng chú ý đến điều này và đã bắt đầu triển khai mô phỏng và các thử nghiệm về cơ chế hình thành, độ bám dính, nguy hiểm của bụi Mặt Trăng nhằm đảm bảo tối đa sức khoẻ cho các phi hành gia.


Thiết kế và trang bị một bộ đồ vũ trụ cho các phi hành gia thám hiểm Mặt Trăng là điều cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo các phi hành gia không có tiếp xúc với bụi Mặt Trăng cũng là một thử thách không hề đơn giản.

Đầu tháng 6 vừa qua, NASA công bố rằng sẽ phát triển những bộ đồ phi hành gia mới để phục vụ sứ mệnh Artemis I. Hai công ty sản xuất được lựa chọn là Axiom Space và Collins Aerospace. Ngoài nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng, những bộ đồ phi hành gia này sẽ được phục vụ cho cả chuyến đi bộ ngoài không gian ở trên trạm vũ trụ ISS.

Nguồn: TTVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *