Khủng long thường được coi là loài động vật khổng lồ nổi tiếng nhất từng thống trị Trái đất. Tuy nhiên, vẫn còn một số loài động vật có vú khổng lồ từng xuất hiện sau khủng long mà không phải ai cũng biết, như loài gặm nhấm với trọng lượng hơn 1 tấn, hay loài ăn cỏ nặng tương đương 5 con voi.
Dưới đây là 5 loài động vật có vú lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất trong thời tiền sử:
1. Mastodon (Voi răng mấu)
Động vật này có cùng chi với loài voi ma mút từng sống trên Trái đất 15 triệu năm trước. Dấu vết đầu tiên của Mastodon là một chiếc răng được phát hiện vào năm 1705 tại New York (Mỹ). Chiếc răng này nặng khoảng 2kg. Thật đáng kinh ngạc!
(Ảnh: Mammut americanum)
Voi răng mấu Mastodon. (Ảnh: Shutterstock)
Mastodon có răng mấu – đặc điểm riêng giúp phân biệt nó với voi ma mút. Nó có đôi ngà dài và rất cong. Mastodons là động vật ăn cỏ, cao hơn 4m và nặng khoảng 7 tấn. Loài này đã tuyệt chủng cách đây khoảng 11.000 năm, trước khi voi ma mút biến mất.
2. Paraceratherium (Tê giác không sừng)
Đây là một họ hàng to con của loài tê giác thời hiện đại, có kích thước khổng lồ với chiều cao gần 8m, nặng tới 20 tấn, được xem là loài động vật có vú trên cạn lớn nhất mà con người từng biết đến.
Tê giác không sừng Paraceratherium. (Ảnh: Shutterstock)
Khác với các loài tê giác ngày nay, paraceratherium không có sừng, chúng có phần cổ và chân dài, qua đó loài động vật ăn cỏ này có thể dễ dàng vươn cao hơn lên cây để tìm thức ăn.
Paraceratherium sống ở lục địa châu Âu và châu Á khoảng 35 triệu đến 20 triệu năm trước.
3. Elasmotherium (Kỳ lân Siberia)
Một chi tê giác khổng lồ khác có tên là elasmotherium, còn được gọi là kỳ lân Siberia bởi cấu tạo chiếc sừng khổng lồ trên đỉnh đầu và nguồn gốc Siberia. Trên thực tế, cho tới nay người ta vẫn chưa tìm thấy bất kỳ hóa thạch sừng nào, tuy nhiên, người ta ước tính rằng sừng của nó có chiều dài gần 1m.
Kỳ lân Siberia – Elasmotherium. (Ảnh: Shutterstock)
Đây là loài động vật ăn cỏ giống như các loài tê giác hiện đại, nhưng có kích thước lớn hơn nhiều, gấp đôi một con tê giác trắng, với trọng lượng khoảng 4 tấn. Người ta tin rằng chúng đã xuất hiện vào Hậu Pliocene, sống sót qua thế Pleistocene và bị tuyệt chủng trong kỷ Băng hà, khoảng 35.000 đến 40.000 năm trước.
4. Voi ma mút thảo nguyên (Steppe Mammoth)
Voi ma mút thảo nguyên (tên khoa học là mammuthus trogontherii) thuộc cùng loài với voi ma mút lông xoăn, nặng khoảng hơn 10 tấn (gấp 3 trọng lượng của voi ma mút lông xoăn). Người ta tin rằng voi ma mút thảo nguyên có nguồn gốc từ Siberia.
Voi ma mút thảo nguyên so với kích cỡ voi ngày nay, và con người
Loài này sống cách đây khoảng nửa triệu năm, trong thế Pleistocene. Chúng ăn cỏ trên vùng thảo nguyên, dùng ngà để cào tuyết và lấy phần cỏ nằm bên dưới.
5. Titanotylopus
Đây là một họ hàng xa của lạc đà thời hiện đại nhưng có kích thước lớn hơn nhiều, với trọng lượng từ 1 tấn trở lên. Giống như lạc đà, chúng có một bướu to ở trên lưng.
Titanotylopus được cho là có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và sau đó lan rộng sang các vùng châu Á.
Titanotylopus so với lạc đà ngày nay và con người (Ảnh qua reddit)
Bộ xương Titanotylopus. (Ảnh: Wiki)
Chúng có bàn chân to và dẹt, cho phép di chuyển dễ dàng trên địa hình khô, gồ ghề. Titanotylopus là loài động vật ăn cỏ, có răng nanh lớn nằm phía trên. Chúng đã tuyệt chủng cách đây khoảng 30.000 năm, sau khi sống sót được hơn 10 triệu năm.
Nguồn: Trithucvn/ET