5 bức ảnh gây tranh cãi về việc “du hành thời gian” là có thực

Những cổ vật này dường như là bằng chứng không thể chối cãi của việc “du hành thời gian”.

Du hành thời gian” có lẽ là một trong những bí ẩn lớn nhất của nhân loại. Theo như thiên tài vật lý Albert Einstein thì thời gian và không gian có thể bẻ cong, chính vì thế không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ xuất hiện “cỗ máy thời gian”, và người tương lai sẽ tìm cách quay trở lại thời đại của chúng ta.

Một số người thậm chí còn cho rằng các triệu phú, tỉ phú chứng khoán đều là… người tương lai quay trở lại đây. Nhưng hãy tạm bỏ qua những câu chuyện hoang đường như vậy, trong quá khứ loài người đã từng tìm thấy những bằng chứng mà nhìn đi nhìn lại chỉ có thể kết luận là do… Doraemon gây nên.

1. Laptop từ thời… Hy Lạp cổ đại

Chiếc máy tính xách tay đầu tiên trên thế giới ra đời từ thập niên 1970. Tuy nhiên đến năm 2014, một trang web theo thuyết âm mưu đã đăng tải một bức ảnh cho thấy laptop đã xuất hiện từ thời… Hy Lạp cổ đại.

Cụ thể, đó là bức hình chụp một bức tượng trong bảo tàng J. Paul Getty tại Malibu, California. Bức tượng mô tả cảnh một người phụ nữ ngồi trên ghế, đưa tay ra xem một vật có hình dạng như chiếc laptop hiện đại ngày nay.

Vật thể trông giống hệt một chiếc laptop thời hiện đại

Theo các tài liệu cổ, vật bé gái đang cầm chỉ là một cái hộp phấn, hoặc hộp trang sức. Tuy nhiên những người theo thuyết âm mưu thì không thấy vậy. Họ thấy một chiếc laptop xịn, với cổng cắm USB ở hai bên. Hơn nữa, nhiều người còn tin rằng đây là cách để người Hy Lạp cổ đại liên lạc với “thần linh” – chính là người ở tương lai, hoặc thậm chí là… người ngoài hành tinh.

Điều này không hẳn đã phi lý, vì xét cho cùng chúng ta cũng không có cách nào xác thực được.

2. Chiếc điện thoại Nokia… 800 năm tuổi

Cuối năm 2015, các nhà khảo cổ học tại Áo đã tuyên bố tìm ra một cổ vật rất đặc biệt. Đó là một tấm đất sét trông như… chiếc điện thoại Nokia thời kỳ đầu. Và kỳ lạ ở chỗ, cổ vật này có niên đại lên tới… 800 năm.

Cụ thể hơn, chiếc “điện thoại” này xuất hiện từ thế kỷ 13, với các bàn phím mang ký tự chữ viết hình nêm của người Sumer – một trong những hệ thống chữ viết sớm nhất, đã xuất hiện trước đó vài nghìn năm (khoảng 3500 – 3000 TCN).

Có thể khẳng định chắc chắn rằng vào thời điểm 800 năm về trước điện thoại di động không thể tồn tại được. Chính vì thế, nhiều người đã tin rằng đây là bằng chứng của việc du hành thời gian.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cổ vật này chỉ là giả mạo. Đầu tiên, chữ viết trên điện thoại là ngôn ngữ tại nền văn minh Lưỡng Hà (ngày nay vẫn được tìm thấy tại Iran), do đó việc chữ viết dạng này xuất hiện ở Áo là điều tương đối vô lý. Hơn nữa, thông tin chính xác về địa điểm khai quật cũng chưa được công bố.

3. Đồng hồ Thụy Sĩ trong… mộ cổ tại Trung Quốc

Vào tháng 12/2008, các nhà khảo cổ tại Trung Quốc đã khai quật một cỗ quan tài có niên đại 400 năm. Tuy nhiên khi gạt bỏ lớp bùn đất xung quanh quan tài, họ đã tìm thấy một vật đáng lẽ không có mặt ở đó: một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ.

Đúng hơn, đó là một mảnh kim loại có hình dạng giống đồng hồ, mặt sau có in chữ Swiss – Thụy Sĩ; mặt trước thậm chí còn có kim giờ và kim phút.

Bức ảnh thực sự đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng đây là bằng chứng không thể chối cãi của “du hành thời gian” nếu như ngôi mộ thực sự chưa từng được khai quật trước đó. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bức ảnh chỉ là sản phẩm của Photoshop.

Còn sự thật như thế nào thì đến nay ta vẫn chưa có lời giải.

4. Bức ảnh khó hiểu của Andrew D. Basiago

Bức ảnh này có gì đặc biệt?

Nhìn thoáng qua, đây chỉ là một bức ảnh lịch sử bình thường. Tuy nhiên, thứ gây nên sự khó hiểu chính là ở nhân vật trong bức ảnh: Andrew D. Basiago – một thành viên dự án tuyệt mật Pegasus của chính phủ Mỹ vào thập niên 1970.

Cụ thể, Basiago cho biết vào năm 1972, ông là một trong những đứa trẻ tham gia một thí nghiệm liên quan đến “chuyển dịch lượng tử”. Thí nghiệm đã đưa ông trở về Gettysburg năm 1863 – nơi Abraham Lincoln đọc bài diễn văn đánh dấu sự bắt đầu của cuộc Nội chiến Mỹ.

Lúc đầu, Basiago đã không biết mình đã lạc về quá khứ. Tuy nhiên khi quay trở về hiện tại, ông đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cậu bé Basiago 10 tuổi xuất hiện trong một bức ảnh chụp từ năm 1863. Theo những gì Basiago miêu tả, ông là đứa trẻ đứng ở giữa, mắt nhìn sang bên phải trong tấm hình.

Tính xác thực của bức ảnh này hiện vẫn còn đang gây rất nhiều tranh cãi.

5. Người phụ nữ dùng di động trong phim của Vua hề Sác-lô

Trong một bộ phim năm 1928 của Charlie Chaplin (Vua hề Sác-lô) có tên “The Circus”, vô tình một quý bà lọt vào khung hình của đoàn quay phim.


Đó là việc hết sức bình thường, tuy nhiên hành động của người phụ nữ đó mới kỳ lạ. Người phụ nữ đặt một tay lên tai, cười nói rất tự nhiên như đang… sử dụng điện thoại di động vậy. 

Nhưng chưa hết, đến năm 1938, một đoạn video quay tại Massachusettsas (Mỹ) cũng cho thấy hình ảnh một quý cô có hành động như đang sử dụng điện thoại.

Sự kiện này vẫn đang gây tranh cãi và chưa có kết luận cụ thể nào cả. Thiết bị người phụ nữ đang cười nói với là cái gì, liệu có phải là điện thoại di động không và làm thế nào nó có thể xuất hiện ở năm 1928 và 1938, trong khi chiếc điện thoại di động đầu tiên ra đời vào năm 1973?

Nguồn: K14

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *