Đa số người xưa đều tin vào số phận. Họ giảng rằng: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên”. Nhưng ngày nay đạo lý này dần bị phai mờ. Bởi vậy không ít người khi thấy ai đó tài giỏi, giàu sang đã không khỏi thắc mắc tại sao họ sung sướng vậy? Kỳ thực, hết thảy đều là phúc phận mà họ đã gieo từ trước.
Một người tham lam keo kiệt trong kiếp trước, kiếp này đã trở thành tên ăn xin nghèo hèn. (Ảnh minh họa qua jiemian.com)
Trong Phật giáo nhấn mạnh nhân quả ba đời – kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, sự luân hồi chuyển thế xảy ra liên hồi bất tận. Nếu chúng ta sống quá keo kiệt trong đời trước và chưa bao giờ bố thí gì cả, thì ngay cả khi chúng ta được thừa kế số tiền lớn ở đời này, cũng chưa chắc đã có phước để hưởng nó. Còn nếu kiếp trước chúng ta bố thí nhiều, kết được nhiều thiện duyên, thì cho dù kiếp này sinh ra trong gia đình nghèo khó, sau khi trưởng thành, chúng ta vẫn có thể được hưởng phước lành.
Câu chuyện về chiếc bánh kếp hoàng kim
Hoàng tử luôn mở lòng bố thí, giúp đỡ người nghèo. (Ảnh minh họa qua lambsteps.com)
Ngày xưa, có một người đã tích lũy rất nhiều phước lành trong kiếp trước, nên kiếp này anh ta được sinh ra làm một vị hoàng tử cao quý. Lại có một người nọ kiếp trước rất tham lam keo kiệt, vì vậy kiếp này trở thành một tên ăn xin nghèo hèn.
Do những thói quen tốt được tích lũy nhiều ở kiếp trước, nên từ nhỏ hoàng tử đã hào phóng rộng lượng, luôn mở lòng bố thí, thậm chí ngài đã tặng châu báu của cải trong quốc khố cho nhiều người dân nghèo. Vị vua thấy vậy không thể chấp nhận được, nên trong lúc bực tức đã đuổi hoàng tử ra khỏi cung điện.
Hoàng tử lưu lạc đầu đường xó chợ, không có cơm ăn áo mặc, chỉ có thể sống được bằng cách xin ăn. Sau đó ngài đã gặp tên ăn xin kia, rồi cả hai trở thành những người bạn tốt, họ đã đi cùng nhau lưu lạc đến khắp mọi nơi.
Ở một đất nước láng giềng, nhà vua nơi đó đột nhiên qua đời, nhưng không có người con trai nào có thể kế thừa ngai vàng, các vị đại thần vô cùng lo lắng nên bắt đầu đi tìm kiếm khắp nơi, hy vọng rằng sẽ tìm được một người xứng đáng để thừa kế ngai vàng và quản lý đất nước. Vào một ngày nọ, hoàng tử và tên ăn xin đã lưu lạc đến đất nước này, hoàng tử đã mệt rã người, nằm dưới gốc cây lớn để nghỉ ngơi, tên ăn xin thì đi ra ngoài xin ăn.
Lúc này, mấy vị đại thần đi ngang qua đây, và họ trông thấy hoàng tử đang ngủ dưới bóng râm của cây, đồng thời cũng nhìn thấy một cảnh tượng kỳ diệu: Mặc dù mặt trời vẫn di chuyển vị trí như thường lệ, nhưng bóng râm của cây lại luôn không di chuyển khỏi chỗ của hoàng tử, mà lại luôn ở yên che nắng cho ngài. Các vị đại thần thấy vậy liền vô cùng vui mừng, và khẳng định ngay rằng, hoàng tử là một người có phúc đức lớn, thế nên họ đã đánh thức ngài dậy và mời ngài vào cung làm Quốc vương.
Sau khi hoàng tử trở thành vua, ngài luôn đau đáu nhớ đến tên ăn xin, ngài muốn anh ta có được một cuộc sống thịnh vượng, nhưng nhất thời lại không tìm được anh ta, thế là hoàng tử đã nghĩ ra được một cách: Ngài đã làm một vài chiếc bánh kép, và bí mật giấu vàng trong một chiếc bánh, rồi sai một thuộc hạ lấy đi số bánh này để tìm người bạn ăn xin nọ, ngài đặc biệt căn dặn thuộc hạ phải đưa bánh tặng cho anh ta.
Thuộc hạ sau khi tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng cũng tìm thấy kẻ ăn xin và tặng số bánh đó cho anh ta. Kẻ ăn xin cầm lấy số bánh, và ước lượng từng cái một, thì phát hiện rằng một chiếc bánh trong đó rất nặng, anh ta không những không biết rằng chiếc bánh ấy có vàng, mà nghĩ rằng chiếc bánh đó chưa chín nên bị sượng, cho nên đã trả lại chiếc bánh này cho người thuộc hạ và nói: “Chiếc này tặng cho anh”.
Cảm ngộ: Mỗi người đều có số phận tương xứng với họ, điều này là do “cái nhân” mà họ đã gieo trong kiếp trước. Do vậy, nếu chúng ta có đủ phước lành, thì ngay cả khi không tranh đấu, chiếm đoạt, tiền bạc của cải cũng sẽ không thiếu; còn nếu thiếu phước đức, thì dù có tranh giành hay ngầm chiếm giữ, tiền tài cũng chưa chắc có thể chạm vào tay.
Câu chuyện về công chúa Thiện Quang
Công chúa Thiện Quang tin vào Phật pháp, nàng tin rằng tội hay phúc đều là do tự làm tự chịu. (Ảnh qua ender.ru)
Theo “Phật thuyết Ba Tư Nặc Vương Thiện Quang duyên kinh”, vua Ba Tư có một người con gái là công chúa Thiện Quang. Nhà vua luôn xem công chúa là viên minh châu trong tay mình. Một ngày nọ, vị vua nói với công chúa rằng: “Con gái à! Con được sinh ra trong gia đình đế vương, được hưởng vinh hoa phú quý như thế, con nên cảm ơn ta mới phải”.
Nhưng công chúa Thiện Quang tin vào Phật pháp, nàng tin rằng tội hay phúc đều là do tự làm tự chịu, nên đã trả lời vua cha rằng: “Sở dĩ con được sinh ra là một công chúa, không phải là nhờ phước lành của cha, mà vì những phước lành mà con đã tích lũy được trong kiếp trước của mình”.
Vua Ba Tư nghe xong rất tức giận. Để chứng minh quan điểm của công chúa là sai, nhà vua đã gả nàng cho một kẻ ăn xin trẻ tuổi. Tuy nhiên, sau khi công chúa kết hôn với kẻ ăn xin, nàng đã tìm thấy một lượng lớn kho báu dưới ngôi nhà đổ nát của anh ta, vinh hoa phú quý sau đó của nàng cũng không thua kém gì so với nhà vua Ba Tư.
Câu chuyện tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Phật Thích Ca Mâu Ni. (Ảnh qua Pinterest)
Tương truyền rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng có một kiếp là vị Thái tử Trí Mỹ Căn Đăng (Zhimei Gendeng). Trí Mỹ Căn Đăng từ khi còn nhỏ đã thích bố thí, không những đem tất cả châu báu vàng bạc cho người nghèo, mà còn mang báu vật Như Ý Bảo độc nhất vô nhị trên thế gian mà vua cha xem như sinh mệnh trao cho nước láng giềng. Sau khi nhà vua phát hiện đã giận dữ cực độ, liền đuổi Trí Mỹ Căn Đăng và vợ con của ngài đi lưu vong.
Trên con đường lưu vong, Trí Mỹ Căn Đăng vẫn tiếp tục bố thí, không những bố thí đi người vợ của mình, mà còn bố thí đi con cái của mình. Rồi đi sống một mình trên núi. Sau đó, có một người đến đòi đôi mắt của ngài, và Trí Mỹ Căn Đăng cũng không ngần ngại bố thí đi đôi mắt của mình. Hành động bố thí chân thành và dũng cảm của Thái tử Trí Mỹ Căn Đăng đã làm Thiên thần cảm động. Thế là Thiên thần xuất hiện trước mặt ngài, và hỏi về mong muốn của ngài là gì, để giúp ngài hoàn thành.
Thái tử Trí Mỹ Căn Đăng trả lời: “Con chỉ có một mong muốn là nguyện cho tất cả chúng sinh đều có thể thoát khỏi bể khổ sinh tử”.
Vị Thần này cảm động nên đã khôi phục thị lực cho Trí Mỹ Căn Đăng, và còn cho ông có thiên nhãn thông. Vợ ông, con cái của ông và cả Như Ý Bảo cũng lần lượt được hoàn trả. Sau khi vua cha biết được chuyện này, vừa cảm động vừa vui mừng, liền mời Thái tử về nước và kế thừa ngai vàng.
Cảm ngộ: Nếu chúng ta có thể giống như Trí Mỹ Căn Đăng, biết buông bỏ, nguyện lòng thành bố thí, một lòng vì lợi ích của người khác, thì phúc báo không những từ mất sẽ có lại, mà còn trở nên to lớn hơn rất nhiều, đồng thời cũng sẽ làm cảm động và ảnh hưởng đến vô số người có duyên.
Cuộc đời của một người giàu sang hay nghèo khó, kỳ thực đều đã có định số. Sự nỗ lực trong đời này chỉ có thể thay đổi một phần rất nhỏ mà thôi, và điều đó được gọi là “phú quý do trời”. Nếu trong đời nhất định sẽ có, thì hà cớ chi phải cưỡng cầu? Nếu trong đời không có, thì cưỡng cầu cũng không ích chi, muốn thay đổi số phận cũng rất khó.
Nhưng nếu chúng ta có thể hiếu thuận với cha mẹ, rộng lượng bao dung với người khác, luôn luôn nghĩ cho người khác, xem chuyện làm lợi cho người khác là nguyên tắc đối nhân xử thế của mình, thì chắc chắn sẽ đắc được phúc báo lớn vô cùng, và đạt được thành tựu vĩ đại trong cuộc sống.
Nguồn: TH
- Khám phá thế giới bên kia qua lời kể của các minh tinh Hollywood từng có trải nghiệm cận tử
- Truyền thuyết về Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
- Bí ẩn đằng sau bức tượng Lạc Sơn Đại Phật rơi lệ ở Trung quốc