Kinh thư bị phong ấn năm xưa đã được mở ra, những người bị trục xuất năm ấy đến nay lại trở về. Đó chỉ là trùng hợp, hay chính là an bài của Thượng Thiên?
Cuốn sách da cừu cổ bí ẩn ghi chép lại dự ngôn của Thần? (Nguồn Epochtimes, qua DKN)
Vào một ngày đẹp trời đầu xuân năm 1947, các cậu bé chăn cừu người Bedouin chạy ùa vào tiệm hàng của Kando như một cơn lốc. Kando, còn gọi là Khalil Iskander Shahin (1910–1993) vừa là thợ đóng giày, đồng thời cũng là người kinh doanh đồ cổ. Nghe nói lũ trẻ muốn bán vài cuộn giấy da dê, Kando thản nhiên mở ra xem như thường lệ. Ông không ngờ rằng từ đây cuộc sống của ông sẽ thay đổi mãi mãi, không còn là thợ đóng giày vô danh ở Bethlehem nữa.
Những cuộn giấy da dê
Những cuộn giấy da dê được đám trẻ chăn cừu tìm thấy trong một hang động trên cao nguyên Qumran ở bờ phía tây Biển Chết. Trong lúc đi tìm cừu lạc, chúng ném hòn đá vào một trong những hang động dọc theo vách đá bên bờ biển và nghe thấy tiếng động. Thì ra hòn đá đã làm vỡ chiếc bình đất chứa các cuộn giấy da dê có niên đại gần hai mươi thế kỷ. Kando thấy trên mặt giấy là văn tự cổ đại, đoán rằng đây hẳn là cuộn giấy cổ có lai lịch phi thường nên ông đã hào phóng trả cho lũ trẻ 28 bảng Anh. Đám trẻ háo hức rời đi, chúng không biết rằng vật chúng vừa rao bán là một kho báu vô giá.
(“Psalms Scroll (11Q5)” – một trong các cuộn giấy Biển Chết. Wikipedia)
Sau đó, Kando bán bốn cuộn da dê trong số đó cho Athanasius Yeshue Samuel, tổng giám mục nhà thờ chính thống Syria ở Jerusalem. Nhưng vì văn tự trên đó là chữ Do Thái cổ nên Tổng giám mục Samuel không thể hiểu được, ông đã đi khắp nơi thỉnh giáo. Câu chuyện về các cuộn da dê cũng bắt đầu lan truyền từ đây.
Không lâu sau, vào ngày 28 tháng 11 năm 1947, một giáo sư khảo cổ học thuộc Đại học Hebrews tên là Eliezer Sukenik đã tìm đến Kando. Hôm sau, Sukenik mang ba cuộn da dê còn lại trong tay Kando trở về Jerusalem. Điều trùng hợp là đúng vào ngày hôm ấy, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết cho phép người Do Thái thành lập quốc gia riêng của mình. Người dân lũ lượt xuống đường ăn mừng, bản thân Sukenik khi nhận được tin cũng vô cùng hạnh phúc. Cuối cùng, ngày phục quốc đã đến, dân tộc Do thái đã phải chờ đợi suốt 2000 năm để có được hôm nay.
(Eliezer Sukenik kiểm tra một trong những cuộn giấy Biển Chết năm 1951. Wikipedia)
Đại lễ phục quốc
Năm xưa, người Do Thái lạnh lùng đóng đinh Chúa Jesus lên thập tự giá, từ đó cả dân tộc phải chịu trừng phạt, bắt đầu cuộc sống lang bạt khắp nơi. Trong suốt 2000 năm sau đó, họ “bị ném đi ném lại giữa mọi nước thế gian”, không ngừng chịu “gươm dao, đói kém, ôn dịch” như Thánh Kinh đã viết:
“Ta [Đức Chúa Trời] sẽ phó chúng nó để bị ném đi ném lại giữa mọi nước thế gian cho chúng nó chịu khổ, chịu mắng nhiếc, xoi bói, cười chê, rủa sả, trong mọi xứ mà ta sẽ đuổi chúng nó đến. Ta sẽ sai gươm dao, đói kém, ôn dịch giữa chúng nó, cho đến chừng chúng nó bị hủy diệt khỏi đất ta đã ban cho chúng nó cùng tổ phụ chúng nó”. (Trích “Giê-rê-mi” 24:9-10, bản dịch 1925)
Nếu không phải vì dự ngôn trong “Thánh Kinh” rằng dân tộc Do Thái sẽ có ngày phục quốc, họ đã không thể tiếp tục chờ đợi đến hôm nay.
Và sự xuất hiện kịp thời của các cuốn da dê càng tăng thêm tín tâm của người Do Thái. Bởi vì một trong các cuộn da dê là bản sao chép từ “Sách Isaiah” – cuốn sách tiên tri vô cùng quan trọng của Kinh Thánh. Đây là lời dự ngôn của nhà tiên tri Isaiah vào thế kỷ VII trước Công nguyên, trong đó nói về việc Chúa Jesus sẽ đản sinh và sau đó chịu nạn. Trong sách cũng dự ngôn rằng dân tộc Do Thái sẽ được phục quốc. Tuy nhiên, nếu chỉ có cuốn kinh thư này thì không có gì đáng kể, mà điều kỳ diệu chính là, những cuộn sách cổ nói trên đều được sao chép từ 2000 năm trước, vào thời điểm khi dân tộc Do Thái bắt đầu lưu vong. Kinh thư bị phong ấn năm xưa đã được mở ra, những người bị trục xuất năm ấy đến nay lại trở về. Đó chỉ là trùng hợp, hay chính là an bài của Thượng Thiên?
Vậy còn bốn cuộn kinh thư từng được trao cho Tổng giám mục Samuel thì sao? Bốn cuộn da dê được Samuel mang từ Jerusalem sang Hoa Kỳ vào năm 1949. Ông đã đi khắp nơi triển lãm với ý định bán được giá hời, nhưng mãi vẫn không tìm được người thực sự hiểu biết về món hàng này. Sau đó không còn cách nào khác, Samuel đành đăng quảng cáo trên Wall Street Journal. Năm 1954, con trai của Sukenik là Yigael Yadin, người sau này cũng trở thành nhà khảo cổ, ngay sau khi nhận được tin đã tìm đến gặp Samuel. Sau một hồi đàm phán, Yigael Yadin quyết định mua lại các cuốn kinh thư với giá 250.000 Đôla, số tiền này tương đương với 2,75 triệu USD hiện nay, có thể nói là mức giá trên trời vào thời điểm ấy.
Với công trình phiên dịch các cuộn sách Biển Chết, Yigael Yadin được vinh danh trong lĩnh vực khảo cổ với Giải thưởng Israel danh giá. Vậy là sau nhiều năm lưu lạc, cuối cùng các cuộn giấy da dê cũng trở về cố quốc. Có thể thấy bảo vật có linh tính, bản thân tự biết tìm về chủ nhân của mình.
Cuộn sách cổ Biển Chết
Bảy cuộn kinh thư ban đầu, cùng với những cuộn da dê khác được phát hiện sau này trên cao nguyên Qumran, được giới khảo cổ gọi chung là các cuộn sách ở Biển Chết (The Dead Sea Scrolls). Nhiều năm qua, trên cao nguyên Qumran người ta lần lượt phát hiện mười ba hang động cất giữ kinh sách, khai quật được hàng ngàn mảnh giấy da, chắp nối lại tạo thành khoảng 800 bộ kinh thư. Trong đó có toàn bộ các kinh sách Cựu Ước ngoại trừ “Sách Esther”, ngoài ra cũng có một lượng lớn kinh thư không có trong “Kinh Thánh” hoặc bị phân loại thành kinh thư phi chính điển, bên cạnh đó còn có một số văn thư ghi chép về cuộc sống cộng đồng.
Kết quả giám định cho thấy, những kinh thư nói trên được sao chép từ năm 250 TCN đến năm 68 SCN. Người chép kinh là các tu sĩ thuộc giáo phái Essenes sống ở gần thạch động lúc đương thời. Năm 68 SCN, nơi cư trú của người Essenes bị quân La Mã tàn phá, họ buộc phải rời khỏi quê hương, đậy lại những cuộn kinh thư được giấu kín trong các bình đất nung. Không có chứng cứ cho thấy các cuộn da dê được xử lý đặc thù để chống mục nát và hư hại, vậy vì sao chúng có thể bảo tồn nguyên vẹn suốt 2000 năm mà không bị phong hóa, thậm chí ngay cả mực viết cũng không phai mờ? Câu hỏi ấy cho đến nay vẫn là một ẩn đố. Có người nói nguyên nhân có thể là do khí hậu khô hạn ở khu vực này, nhưng cũng không ít người cho rằng đây chính là Thần tích.
Chính phủ Israel vô cùng coi trọng những cuộn sách cổ, họ đã thực hiện các cuộc tìm kiếm xung quanh hang động đầu tiên. Trong trận chiến vào năm 1967, Israel đã giành lấy cao nguyên Qumran vốn thuộc về Jordan, từ đó danh chính ngôn thuận trở thành người giám hộ của những cuộn giấy cổ Biển Chết, còn cao nguyên Qumran thì trở thành công viên quốc gia của Israel.
Trận chiến thời mạt thế
Hiện nay, tuyệt đại bộ phận các cuộn sách cổ được lưu giữ trong điện Thánh thư (Shrine of the Book) thuộc Bảo tàng Israel ở Jerusalem, bảy cuốn kinh thư ban đầu cũng được coi là bảo vật vô giá tại đây. Kiến trúc điện Thánh thư được thiết kế vô cùng độc đáo, lấy cảm hứng từ cuốn kinh thư ban đầu, đó chính là “Chiến quyển” (Wall Scroll).
“Chiến quyển” miêu tả trận chiến ngày tận thế giữa những người con của Ánh sáng và con của Hắc ám. Mặc dù nội dung trong cuốn kinh thư này không có trong “Kinh Thánh”, nhưng bản thân “Thánh Kinh” cũng có không ít dự ngôn nhắc đến trận chiến ngày tận thế.
Nếu như “Thánh Kinh” chỉ ghi chép rất ít thì “Chiến quyển” lại dành đến hơn hai mươi trang mô tả chi tiết về trận chiến giữa ánh sáng và bóng tối. Trong cuộc đại chiến, những người con của Ánh sáng do Tổng lãnh thiên thần Michael dẫn dắt, phụ tá trước trận chiến là các tư tế khoác áo choàng vải lanh, thổi kèn lệnh để chỉ huy quân đội. Phía đối địch là đội quân Kittim con của Hắc ám do Belial cầm đầu.
Cuộc chiến kéo dài liên tục suốt 40 năm, tổng cộng có bảy trận đại chiến. Sáu trận đầu Ánh sáng và Hắc ám mỗi bên thắng ba trận, có thể nói là ngang sức ngang tài. Đến trận thứ bảy, bàn tay toàn năng của Thần đã hạ gục Belial và đội quân của hắn, giúp Ánh sáng giành được chiến thắng chung cuộc. Cuối cùng, tất cả đội quân Hắc ám đều bị tiêu diệt, những đứa con của Ánh sáng vĩnh viễn có được cuộc sống hòa bình. Bởi vì trong cuộn kinh nhiều lần nhắc đến Đấng Cứu Thế Messiah, nên cuộc chiến này cũng được gọi là cuộc chiến Messiah.
(Phần nóc của điện Thánh Thư nhìn từ bên ngoài. Wikipedia)
Vậy điện Thánh Thư được thiết kế ra sao để thể hiện cuộc đại chiến ấy? Toàn bộ tòa kiến trúc có hình trụ, một nửa nằm sâu dưới lòng đất tượng trưng cho những chiếc bình đất nung chứa kinh thư. Phần nhô lên khỏi mặt đất là mái vòm hình vòng cung tương ứng với nắp của bình đất. Đỉnh mái sơn màu trắng tinh khôi, tượng trưng cho những đứa con của Ánh sáng. Đối diện với đỉnh mái là một bức tường xây từ đá bazan đen, tượng trưng cho những đứa con của Hắc ám.
(Đối diện với đỉnh mái là một bức tường xây từ đá bazan đen. Wikipedia)
Đến nay, điện Thánh Thư đã trở thành kiến trúc tiêu biểu của Israel. Năm 2013, Israel phát hành đồng tiền vàng để kỷ niệm lễ khánh thành điện Thánh Thư.
Sách Enoch
Các cuộn sách cổ Biển Chết không chỉ là quốc bảo của riêng Israel, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với giới khảo cổ và Thần học. Bởi vì thông qua đó, người ta có thể so sánh kinh sách hiện đại với sách cổ để sửa lại những lỗi sai và thiếu sót trong “Thánh Kinh” ngày nay. “Thánh Kinh” được lưu truyền qua mấy ngàn năm, từ bản Do Thái cổ thời đầu cho đến các bản tiếng Aramaic, tiếng Hy Lạp, tiếng Latin, tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, trong quá trình phiên dịch và sao chép không biết đã có bao nhiêu văn tự hữu ý hoặc vô ý bị sửa đổi.
Đến nay, bản “Kinh Thánh” mà chúng ta vẫn biết có không ít điểm mâu thuẫn hoặc không nhất quán. Ví dụ, trong chương đầu tiên của “Sáng Thế Ký” vị Thần sáng thế được gọi là Elohim, nhưng đến chương thứ hai lại trở thành Giê-hô-va. Người ta phỏng đoán rằng hai chương này được sao chép từ hai phiên bản khác nhau, nhưng thực tế ra sao thì không ai hay biết.
Người theo thuyết vô Thần mượn cớ này để công kích, cho rằng điều giảng trong “Thánh Kinh” là không có thực, do đó bản thân “Thánh Kinh” cũng không đáng tin. Nhưng sự xuất hiện của các cuộn giấy Biển Chết đã mang đến nguồn tư liệu đáng tin cậy để tìm về nguồn gốc chính bản. Bởi vì bản tiếng Do Thái cổ từ 2000 năm trước rất gần với phiên bản nguyên thủy, cơ hội hiếm có này là độc nhất vô nhị. Vì thế các cuộn sách cổ Biển Chết được coi là phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất trong thế kỷ XX.
Không chỉ vậy, trong đó cũng có rất nhiều kinh thư phi chính điển mà hiện nay gọi là “thứ kinh” hoặc “ngụy kinh”, vốn không được Giáo hội khuyến nghị. “Ngụy kinh” thật giả khó phân, hoặc nội dung quái đản ly kỳ, hoặc không phù hợp với giáo nghĩa chính thống do đó đã bị Giáo hội bài trừ. Tuy nhiên, chúng lại chiếm một lượng lớn trong số các cuộn sách ở Biển Chết, điều này khiến người ta phải suy nghĩ: Nếu những kinh thư này không thuộc về chính điển, thì vì sao các tu sĩ lại sao chép một lượng lớn như thế? Nếu nằm trong chính điển, vậy nội dung sách đã được công nhận, vì sao sau này lại bị gạt ra ngoài? Chẳng lẽ Giáo hội cũng thay đổi giáo nghĩa để “bắt kịp thời đại”? Lời Thần giảng là chân lý bất biến, liệu đại diện của Thần nơi nhân gian có thể theo nhu cầu mà tùy thời thay đổi giáo nghĩa hay chăng?
Nói đến đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một cuốn sách bị coi là “ngụy thư” trong các cuộn sách cổ Biển Chết – “Sách Enoch”. Trên thực tế, trước thế kỷ IV “Sách Enoch” vẫn được Giáo hội coi trọng và được đưa vào chính điển. Không ít kinh sách Tân Ước đều trích dẫn nội dung trong “Sách Enoch”, nhưng sau này không rõ nguyên nhân vì sao mà cuốn sách này lại bị Giáo hội ngăn chặn.
Enoch là nhà tiên tri Do Thái, hậu duệ thứ bảy của Adam sống trước Đại hồng thủy, chắt của ông chính là Noah. Enoch sống trường thọ 365 năm sau đó được Thượng Đế đưa lên trời. “Sách Enoch” ghi chép những dị tượng mà ông nhìn thấy trong 300 năm đồng hành cùng Thượng Đế trước khi Đại hồng thủy xảy ra.
Đại hồng thủy đã đến như thế nào? Trong sách kể rằng, các Thiên sứ canh gác Thiên quốc đã bội phản và sa ngã rồi bị hạ xuống nhân gian, họ đem tri thức và kỹ năng truyền thụ cho nhân loại. Tại đây, họ kết hôn với con gái chốn nhân gian và sinh ra những người khổng lồ. Người khổng lồ rất háu ăn, rất nhanh chóng đã ngốn hết sạch thực phẩm của loài người. Khi thực phẩm cạn kiệt, họ bắt đầu hủy hoại tài nguyên trên đất và giết chóc khắp nơi, động thực vật trong giới tự nhiên đều vì thế mà gặp nạn. Đức Giê-hô-va đã giáng hồng thủy để hủy diệt tất cả. Các Thiên sứ sa ngã bị giam cầm ở nơi tối tăm, chờ đợi ngày thẩm phán thời mạt thế.
Enoch bèn đến thỉnh cầu Đức Giê-hô-va nhưng không được chấp thuận, tuy nhiên ông vẫn được Thiên Chúa được cho phép làm trung gian giữa Thần và các Thiên sứ sa ngã, có thể tự do du hành giữa trời và đất. Ông bay cùng với Thiên Thần, nhìn thấy bên dưới là núi sông, nước chảy, thấy tại nơi tận cùng của Thiên Đường và địa ngục có bảy ngôi sao bị trói lại cùng nhau, nhìn từ xa trông giống như những ngọn núi lớn đang cháy phừng phừng. Thiên Thần nói, đây là nhà giam của các ngôi sao.
Enoch cũng nhìn thấy bảy tòa núi lớn, trong đó ba tòa hướng về phía Đông, ba tòa hướng về phía Tây, còn tòa thứ bảy thì nằm ở giữa, gần đó là các thung lũng sâu mọc lên đầy những cây thơm ngát, ở giữa không ngừng tỏa ra hương thơm, mùi hương ấy khiến người ta có tâm trí thanh thản, lòng dạ thảnh thơi. Thiên Thần nói khi cuộc thẩm phán tối hậu kết thúc, quả trên cây sẽ được trao cho những người chính trực và khiêm nhường.
Phần ghi chép nổi tiếng trong sách kể về thời mạt thế, trong đó miêu tả chi tiết về cuộc thẩm phán ngày tận thế, khi những tội nhân ở âm gian vĩnh viễn chịu thụ hình, còn người công chính lại được phục sinh và đắc được cuộc sống vĩnh hằng. Vào ngày tận thế, Đấng Messiah sẽ lại giáng lâm, vương quốc và thành Jerusalem mới của Ngài sẽ được kiến lập.
Bắt đầu từ Enoch, “tương lai” được phân thành các tuần với mười ngày khác nhau. Tuần thứ hai là thời đại của Noah, tiếp đó là Abraham, Moses, v.v. Công nghĩa sẽ ngự trị, tân thiên tân địa sẽ xuất hiện vào tuần thứ mười.
Nguồn: NTDVN
- Sự thần kỳ của toán học thời cổ đại: Không chỉ tính “số” mà còn có thể toán”‘mệnh”
- Quá khứ, hiện tại và tương lai có thể tồn tại cùng một lúc
- Du hành qua lỗ sâu? Điều đó là khả thi, theo các nhà khoa học Harvard