Cửu dương chân kinh và Hiệp khách thần công là những tuyệt thế võ công trong thế giới kiếm hiệp Kim Dung, tuy nhiên hai môn võ công này không rõ do ai tạo ra.
Tạo hình Giác Viễn thiền sư trong Ỷ thiên đồ long ký (2009). Ảnh: Sohu
Cửu dương chân kinh
Cửu dương chân kinh hay Cửu dương thần công là bí kíp võ thuật chỉ dẫn cách luyện nội công xuất hiện trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký của cố nhà văn Kim Dung.
Cửu dương thần công được ghi lại bên trong mép cuốn Lăng Già Kinh, được Giác Viễn thiền sư (Giác Viễn đại sư) là một người gác Tàng kinh các trong Thiếu Lâm tự – phát hiện. Lăng Già Kinh là một quyển kinh Phật được viết bằng chữ Phạn của Đạt Ma sư tổ nên Giác Viễn cho rằng Cửu dương thần công là của Đạt Ma sư tổ để lại.
Nhưng trong bản sửa đổi mới nhất của cố nhà văn Kim Dung về Ỷ thiên đồ long ký thì tác giả có nêu nguồn gốc của Cửu dương thần công: “Vô Kỵ đem bốn quyển kinh thư từ đầu đến cuối đọc lại một lần, đọc xong quyển cuối cùng chàng thấy tác giả chân kinh tự thuật lại quá trình viết chân kinh. Y không nói tính danh, xuất thân, chỉ nói chính y không biết theo nho theo đạo hay theo tăng. Một hôm ở Tung Sơn đấu rượu thắng tổ sư phái Toàn Chân Vương Trùng Dương, được mượn đọc Cửu âm chân kinh, mặc dù bội phục võ công tinh diệu trong kinh thư nhưng một mặt tôn sùng Lão Tử học, lại xem kinh thư chỉ thiên về lấy nhu thắng cương, lấy âm thắng dương, không bằng âm dương hòa hợp, vì thế ở bên lề bốn cuốn kinh Lăng Già lấy chữ Hán viết nên bộ Cửu dương thần công do chính mình sáng chế, cảm thấy so với Cửu âm chân kinh thuần âm thì có âm dương điều hòa, cương nhu trung hòa, hỗ trợ nhau. Trương Vô Kỵ bội phục sát đất đạo lí võ học không thiên lệch, nghĩ thầm bộ kinh này phải gọi là Âm Dương hỗ tế kinh, nếu chỉ gọi là Cửu dương chân kinh thì vẫn không khỏi thiên lệch”.
Trương Vô Kỵ là người học được toàn vẹn Cửu dương chân kinh. Ảnh: Sohu
Trong bối cảnh truyện kiếm hiệp Kim Dung, có nhiều người học được Cửu dương thần công, nhưng chỉ có Giác Viễn và sau này là Trương Vô Kỵ học được toàn vẹn nguyên bản. Tính đến thời Trương Vô Kỵ thì cố nhà văn Kim Dung có khẳng định rằng: “Nên biết tất cả các loại nội công trong thiên hạ đều không vượt qua được Cửu dương thần công, còn Càn khôn đại na di là phương pháp vận kình sử lực, là tụ hội của tinh nghĩa mọi môn võ công. Nhất pháp thông, vạn pháp thông, thành thử mọi môn công phu trước mắt chàng giờ này không còn gì bí ảo”. Cũng vì lẽ đó, Trương Vô Kỵ trở thành 1 tay tuyệt thế cao thủ dù tuổi đời còn rất trẻ.
Hiệp khách thần công
Xuất hiện trong truyện Hiệp khách hành, Hiệp khách thần công (Thiên Thái huyền kinh gọi tắt là Thái huyền kinh) là một môn thần công do một vị cổ nhân sáng tạo ra và khắc trên vách ở 24 gian thạch thất trên Hiệp Khách đảo. Tuy nhiên, tên tuổi và lai lịch của vị cổ nhân này không được nhắc đến, chỉ nói người này đó đã chiếu theo bài thơ của một vị thi nhân thời Đường là Lý Bạch.
Vị cao nhân đã gói gọn môn thần công của mình chỉ trong 24 câu thơ viết trong 24 gian thạch thất, kèm theo những câu thơ trên những gian thạch thất là những đồ hình, văn tự chú thích mà vị cổ nhân đó đã khắc nên. Trong 24 gian thạch thất này thì mỗi gian lại là một môn võ công khác nhau. Có gian thì dạy kiếm pháp, gian dạy nội công, gian dạy khinh công, chưởng pháp… ẩn chứa võ học tinh yếu cao thâm đến đáng sợ.
Thạch Phá Thiên luyện được Hiệp khách thần công. Ảnh: Sohu
Trong truyện chỉ có Thạch Phá Thiên nhờ bản tính ngay thẳng, thật thà, nghĩa khí, trung hậu và duyên số, do không biết chữ nên khi chàng nhìn vào chữ nào là thấy nó chuyển động bay vào các khiếu huyệt trên người, và biến thành hình thù các thế võ và luyện theo mà cũng không biết là gì vô tình luyện được thành Hiệp khách thần công, trở thành người có nội lực và võ công đạt đến mức kinh thiên động địa.
Nguồn: DV
- Nghiên cứu văn tự cổ về tuổi thọ người cổ đại: Làm sao có thể sống đến vài nghìn, vài trăm năm?
- 6 vùng đất chết chưa có lời giải: Trọng lực bất thường, tín hiệu vô tuyến không thể vượt qua
- Nghiên cứu: “Thực tại cuộc sống có thể là ảo giác do não bộ tạo ra”