10 loài hoa hiếm nhất thế giới, có loài vài chục đến vài nghìn năm mới nở một lần

Bạn sẽ ít có dịp nhìn thấy những loài hoa tuyệt đẹp dưới đây ở một khu vườn thông thường. Một vài loài hoa rất hiếm, chỉ nở vào những mùa nhất định và sau cả mấy thập kỷ, thậm chí mấy thiên niên kỷ. Đây là danh sách 10 loài hoa cực hiếm mà bạn có thể chưa bao giờ được thấy.

10. Hoa Kadupul

Hoa Kadupul ở Nhật Bản còn được gọi là “sắc đẹp dưới ánh trăng”. (Ảnh: Pinterest)

Đẹp tuyệt và hiếm hoi chỉ là hai trong số nhiều đặc điểm khiến hoa Kadupul trở nên rất đặc biệt. Loài hoa xinh đẹp này hầu như chỉ tìm thấy trong những khu rừng của Sri Lanka. Chỉ một số ít người có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa Kadupul , bởi vì nó chỉ nở vào lúc nửa đêm và sẽ tàn trước bình minh.

Hoa này có màu trắng ngần tinh tế và mùi hương thanh tao quyến rũ một cách kỳ lạ. Nó cũng là một trong những loài hoa đắt giá nhất, bởi vì đơn giản là người ta không thể định giá nó được: Hoa Kadupul sẽ ngay lập tức tàn vào khoảnh khắc nó bị hái xuống. Cho tới nay, không có nhà thực vật học nào có thể đưa ra lời giải thích chính xác về sự tàn lụi đột ngột này của hoa Kadupul .




9. Hoa Campion

Hoa Campion (còn được gọi là silene tomentosa) chỉ có thể tìm thấy ở đảo Gibraltar thuộc lãnh thổ nước Anh. (Ảnh: Saga)

Hoa Campion (còn được gọi là silene tomentosa) chỉ có thể tìm thấy ở đảo Gibraltar thuộc lãnh thổ nước Anh. Loài hoa này có hương thơm dịu nhẹ, chỉ nở hoa vào ban đêm, và có một vòng đời ngắn ngủi. 

Có một sự thật thú vị về loài hoa này. Vào năm 1992, thành phố Gibraltar chính thức tuyên bố rằng trên đảo không còn bông hoa Campion nào, và loài hoa này đã bị tuyệt chủng. Tuy nhiên hai năm sau đó, vào năm 1994, một người leo núi đã tình cờ phát hiện hoa Campion vẫn sinh tồn trên một mỏm núi của Gibraltar, nhưng trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Ngày nay, hoa Campion chỉ còn tồn tại trong những khu vườn bách thảo ở Gibraltar và London, nhưng với số lượng vô cùng thưa thớt.




8.  Phong lan ma

Phong lan ma là một loài hoa hiếm sinh trưởng chủ yếu ở Cuba và Florida. (Ảnh: picbon.com)

Phong lan ma là một loài hoa hiếm sinh trưởng chủ yếu ở Cuba và Florida. Rất khó trồng phong lan ma khi tách nó khỏi môi trường tự nhiên, bởi vì loài hoa này cần một môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao để có thể sinh trưởng. Những yêu cầu về điều kiện đặc thù này khiến cho phong lan ma rất hiếm trên thế giới.




Không chỉ hiếm, phong lan ma còn có một điểm vô cùng đặc biệt: Nó không hề có lá. Phần thân và hoa đều có màu xanh gần giống nhau. Vậy nên rất khó khăn để nhận ra một bông phong lan ma ngay cả khi bạn có cơ hội tiếp cận nơi sinh trưởng của nó.

Do không có lá nên phong lan ma không thể tự quang hợp, do đó nó buộc phải liên kết với một loài thực vật khác để có thể lấy đủ chất dinh dưỡng. Phong lan ma chỉ nở trong ba tuần, trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Tám. Trong suốt thời gian nở, loài hoa này tỏa ra một mùi hương gần giống như xà bông.

7. Cúc vạn thọ socola

Cúc vạn thọ socola là một loài hoa bản địa hiếm nhưng đẹp tuyệt vời của Mexico. (Ảnh: persiane.ir)




Cúc vạn thọ socola là một loài hoa bản địa hiếm nhưng đẹp tuyệt vời của Mexico. Loài hoa này sở dĩ có tên gọi như vậy là do nó tỏa ra một mùi hương quyến rũ giống như socola khi nở. Màu sắc của hoa thường là đỏ đậm hoặc nâu, và nó chỉ nở vào ban đêm cuối hè.

Thật không may, loài hoa xinh đẹp này đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Nhưng nó đã được sao chép lại bằng cách nhân giống thực vật vào năm 1902. Vậy nên, chỉ còn bản sao của cúc vạn thọ socola còn tồn tại ngày nay. Những khu vực mà loài hoa này sinh tồn đã được luật pháp bảo hộ.

6. Hoa mỏ vẹt

Loài hoa này sở dĩ có tên gọi như vậy là do nó có hình dáng không khác gì chiếc mỏ của một chú vẹt. (Ảnh: jennybeautydiva.club)




Hoa mỏ vẹt được cho là một trong những loài hoa đẹp nhất trên thế giới. Đây là một loài thực vật đặc hữu của quần đảo Canary. Loài hoa này sở dĩ có tên gọi như vậy là do nó có hình dáng không khác gì chiếc mỏ của một chú vẹt. Hoa mỏ vẹt nở đẹp nhất là vào mùa xuân và yêu cầu nhiệt độ mát mẻ. Biến động về nhiệt độ có thể sẽ khiến loài hoa này không sinh trưởng được.

Thật không may, chúng ta có thể sẽ không còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của loài hoa này trong tương lai không xa, bởi vì ngày nay hoa mỏ vẹt chỉ còn lại vô cùng thưa thớt. Sự biến mất của giống hoa này bắt đầu vào năm 1884. Những cây hoa mỏ vẹt còn sót lại ở quần đảo Canary hiện đã đang được luật pháp bảo vệ chặt chẽ.

5. Lan hài tiên tím vàng

Sự kết hợp giữa sắc vàng và tím của loài lan hài tiên này là rất hiếm có, khiến cho nó trở thành một loài hoa đắt đỏ vào hàng bậc nhất thế giới. (Ảnh: LinkedIn)




Lan hài tiên tím vàng là thành viên hiếm của họ Lan, sinh trưởng chủ yếu ở London. Sự kết hợp giữa sắc vàng và tím của loài hoa này là rất hiếm có, khiến cho nó trở thành một loài hoa đắt đỏ vào hàng bậc nhất thế giới. Đó là lý do vì sao mà lan hài tiên tím vàng lại được luật pháp London bảo hộ.

4. Hoa xác chết

Hoa xác chết là loài hoa lớn nhất và có mùi kinh nhất trên thế giới. (Ảnh: BBC.com)




Hoa xác chết là loài hoa lớn nhất và có mùi kinh nhất trên thế giới. Khi nở, bông hoa khổng lồ này sẽ tỏa ra một mùi gần giống như thịt thối. Hoa xác chết chỉ có thể được tìm thấy ở các khu rừng mưa của Indonesia. Chúng chỉ nở mỗi 30 – 40 năm một lần.

Hoa xác chết có thể sinh trưởng lên tới chiều cao khoảng 6 mét. Phần ngoài của loài hoa này có màu xanh, và phần bên trong thì có màu đỏ thẫm. Bởi vì hoa này rất hiếm, nên vườn bách thảo nơi hoa xác chết sinh trưởng đã được bảo hộ bởi luật pháp.

 3. Hoa móng cọp xanh

Móng cọp xanh có hoa hình móng vuốt, chùm hoa của nó có thể mọc dài tới 3 mét. (Ảnh: GreenArea.me)




Móng cọp xanh là một loài cây quý hiếm thuộc họ đậu. Nguồn gốc của loài cây này là từ các khu rừng mưa nhiệt đới của Philippines. Loài cây này có hoa hình móng vuốt, chùm hoa của nó có thể mọc dài tới 3 mét. Màu sắc của loài hoa này có sự biến đổi nhất định trong một ngày. Cụ thể, buổi sáng, hoa có màu xanh da trời, giữa trưa chuyển màu xanh lơ và đến chiều thì chuyển sang màu xanh lục

Trong nửa đầu thế kỷ 20, khi đang xây dựng thành phố Đà Lạt, người Pháp đã đem cây hoa móng cọp xanh trồng ở đây. Đến nay, việc chiết cành, dăm cành loài hoa này đã trở nên phổ biến.

2. Hoa trà Middlemist đỏ

Loài hoa này được đặt tên theo John Middlemist, một y tá nam đã mang loài hoa tuyệt vời này từ Trung Quốc đến Anh vào năm 1804. (Ảnh: Stunstupefy)




Hoa trà Middlemist đỏ là loài hoa hiếm thuộc hàng bậc nhất thế giới: hiện nay nó chỉ còn có mặt ở hai nơi là vườn New Zealand và trong vườn nhà kính ở Anh.

Loài hoa này được đặt tên theo John Middlemist, một y tá nam đã mang loài hoa tuyệt vời này từ Trung Quốc đến Anh vào năm 1804. Sau thời điểm đó, hoa trà Middlemist đỏ đã hoàn toàn biến mất ở Trung Quốc, và ngạc nhiên thay, nó đã được trồng lại và sống sót ở trong những khu vườn của London.

1. Hoa Ưu Đàm Bà La

Hoa Ưu Đàm có hình dạng tựa như những chiếc chuông nhỏ, màu trắng tinh khiết, nhỏ li ti, thân mảnh như sợi tơ, trong suốt như pha lê… Thậm chí, nhiều người còn có thể nhìn thấy hào quang phát ra từ những bông hoa trắng muốt này. (Ảnh: epochtimes.com)




Hoa Ưu Đàm, loài hoa kỳ diệu này có hình dạng tựa như những chiếc chuông nhỏ, màu trắng tinh khiết, nhỏ li ti, thân mảnh như sợi tơ, trong suốt như pha lê… Đôi khi, mùi hương thơm ngát của chúng có thể ngửi được trong quá trình hoa nở. Thậm chí, nhiều người còn có thể nhìn thấy hào quang phát ra từ những bông hoa trắng muốt này.

Loài hoa này tuy nhỏ bé, mong manh nhưng lại có thời gian tồn tại rất lâu, vài tháng đến một năm cũng không tàn.

Những bông hoa Ưu Đàm đầu tiên được tìm thấy ở Hàn Quốc vào tháng 7/1997, trên một bức tượng đồng-vàng Phật Như Lai của một ngôi chùa Phật giáo ở Kyungki-Do. Kể từ đó, loài hoa Phật này đã khai nở khắp nơi trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Úc, Pháp, Mỹ, Hongkong…

Đặc biệt, từ năm 2012, Hoa Ưu Đàm huyền thoại đã liên tục khai nở trên khắp đất nước Việt Nam, ở các tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Nghệ An, Đắk Lắk, Phú Yên, Thái Nguyên, Nam Định…

Theo kinh Phật, có một loài hoa gọi là hoa Ưu Đàm Bà La (Udumbara, gọi tắt là hoa Ưu Đàm). Hoa  3.000 năm mới nở một lần. Udumbara là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời”. Sự xuất hiện của hoa Ưu Đàm Bà La là dấu hiệu cho biết Đức Chuyển Luân Thánh Vương đã đến để chính lại Pháp trong thế giới này.




Quyển 8 kinh “Huệ Lâm Âm Nghĩa” nhà Phật viết: “Hoa Ưu Đàm do điềm lành linh dị sinh ra; đây là một loại hoa của Trời, thế gian không có. Nếu một đấng Như Lai hoặc Đức Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện nơi thế giới con người, loài hoa này sẽ xuất hiện nhờ đại đức và đại ân của Ngài”.


Kinh Phật cũng ghi lại rằng Đức Chuyển Luân Thánh Vương là vị vua lý tưởng, người sẽ cai trị thế giới không phải bằng vũ lực mà bằng công lý. Những ai dùng thiện để đối đãi với người khác sẽ có cơ hội được gặp Đức Chuyển Luân Thánh Vương, bất kể người đó thuộc tôn giáo nào – Phật giáo, Cơ Đốc giáo, Khổng giáo…

Phải chăng đã có một vị Phật hạ thế và đang lẳng lặng truyền Pháp của ngài trên khắp thế giới?
Nguồn: DKN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *